Những điểm nhấn nổi bật nào tại Lễ hội Áo dài TPHCM năm 2017?

(VOH) - Sáng 23/2, Sở Du lịch TPHCM đã tổ chức họp báo về Lễ hội Áo dài TPHCM năm 2017.

Lễ hội sẽ diễn ra từ ngày 3 - 17/3 tại nhiều địa điểm trên địa bàn thành phố.

Lấy chủ đề “Duyên dáng Áo dài TPHCM”, Ban tổ chức mong muốn sẽ chuyển tải thông điệp về nét đẹp duyên dáng và vẹn nguyên của chiếc áo dài Việt Nam qua các thời đại, với mọi đối tượng; từ đó tạo tiền đề cho một Lễ hội du lịch văn hóa thường niên, uy tín, đồng thời cũng là một sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của TPHCM.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch - Trưởng BTC Lễ hội Áo dài phát biểu tại buổi họp báo.

Ban tổ chức cũng cho biết, trong khuôn khổ của lễ hội, nhiều hoạt động sẽ diễn ra không chỉ đa dạng về nội dung mà phong phú về hình thức thể hiện, điển hình như triển lãm Duyên dáng áo dài Việt Nam ở phố Đi bộ Nguyễn Huệ, chụp ảnh nhanh với áo dài; trình diễn áo dài tại các bảo tàng trong thành phố, Nhà văn hóa Thanh niên.

So với năm ngoái, các hoạt động chính của lễ hội kéo dài đến 2 tuần, thời gian dài gấp đôi so với những năm trước. "Trước hết, chúng tôi chọn khung tháng 3 vì đây là ngày Quốc tế Phụ nữ. Ai trong chúng ta cũng đều dành cho phụ nữ, chia sẻ sự tôn trọng và tôn vinh. Chúng tôi cũng thấy rằng với một lễ hội cần phải có không gian rộng và một khoảng thời gian nhất định, do đó 2 tuần là thời gian hợp lý để chuyển tải nhiều nội dung từ thi, trình diễn, giao lưu và nhiều hoạt động biểu diễn khác", ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Áo dài khẳng định.

Ngoài các hoạt động chính với buổi khai mạc long trọng, Lễ hội Áo dài năm nay còn có hoạt động đồng diễn và diễu hành áo dài của 3.000 người thuộc đủ mọi lứa tuổi, ngành nghề… Tất cả sẽ tham gia xếp hình bản đồ Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Áo dài Việt Nam - nét duyên đi cùng năm tháng.

Chương trình còn có sự kiện “Áo dài Việt Nam - hội tụ và thăng hoa” với sự tham gia của các Lãnh sự quán và phu nhân các nước trong y phục áo dài; các du học sinh quốc tế ở Việt Nam như một cách giới thiệu và quảng bá hình ảnh nét đẹp Việt Nam đối với bạn bè quốc tế.

Hưởng ứng các hoạt động của lễ hội, năm nay Sở Du lịch còn phối hợp với Hội liên hiệp phụ nữ TPHCM, phát động các cơ sở hội, kêu gọi chị em phụ nữ mặc áo dài trong giờ làm việc ở tháng áo dài 2017.

"Hội LHPN Thành phố cũng có một văn bản phát động rộng rãi trong các đơn vị trực thuộc của Hội, 24 quận huyện Hội cũng như các lực lượng vũ trang và nhận được sự đồng tình hưởng ứng. Nét mới của năm nay là mỗi đơn vị đều tổ chức cuộc thi duyên dáng áo dài tại cơ sở. Đến nay cũng đã có 10 đơn vị tổ chức xong. Hội LHPN còn phát động thêm tiểu thương ở các chợ tham gia, các chị hưởng ứng nhiệt tình và các tiệm may cam kết đồng hành bằng việc hỗ trợ 50% tiền công may cho các thí sinh tham dự cuộc thi duyên dáng áo dài được tổ chức ở cấp quận, huyện cũng như thành phố", bà Lâm Thị Ngọc Hoa, Phó chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ thành phố vui vẻ nói.

Trình diễn áo dài Việt Nam qua các thời đại.

Để có sự hưởng ứng cao nhất trong cộng đồng, Sở VHTT cũng đã phát động đến toàn thể các cơ quan ban ngành, mặc áo dài 2 ngày/tuần, tạo điểm nhấn tôn vinh nét đẹp trang phục của dân tộc. Bà Đặng Hồng Linh, Trưởng Phòng Văn hóa Gia đình, Sở Văn hóa thể thao TP cũng cho biết: "Gắn liền với việc quảng bá, giới thiệu cho các hoạt động của Lễ hội Áo dài 2017, chúng tôi đã vận động các đơn vị công sở phải chủ động, đăng ký tham gia. Trước mắt, sẽ xây dựng hình ảnh người công chức luôn luôn tôn vinh áo dài truyền thống của dân tộc ngay tại công sở, sau đó, từ đội ngũ cán bộ công chức đó sẽ len lỏi sang mỗi người dân và đi vào từng ngõ ngách, cộng đồng dân cư".

Với những nét mới cùng với sự đột phá từ ý tưởng, nội dung, hình thức đến quy mô tổ chức, Ban tổ chức cũng kỳ vọng Lễ hội Áo dài TPHCM lần thứ 4 sẽ tạo tiền đề cho một Lễ hội du lịch văn hóa uy tín, một sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của TPHCM.