Những nét khác biệt trong ngày Tết cổ truyền giữa hai miền Nam Bắc

(VOH) - Miền Nam và miền Bắc đều có những khác biệt và đặc trưng văn hóa riêng, điều này được thể hiện rõ nhất qua ngày Tết cổ truyền.

Hoa chơi Tết

Miền Bắc chơi hoa đào đỏ, còn miền Nam thì chơi hoa mai vàng. Cả hai loài hoa tuy khác biệt về màu sắc nhưng đều được xem là biểu tượng cho năm mới. Đặt một cành đào hay chậu mai trong nhà, gia chủ mong muốn một năm mới an lành, thịnh vượng và may mắn hơn.

Miền Bắc chơi hoa đào đỏ, còn miền Nam thì chơi hoa mai vàng. (Ảnh: internet)

Mâm ngũ quả

Người miền Nam bày mâm ngũ quả theo mong muốn “Cầu sung vừa đủ xài” ước mong năm mới đủ đầy, sung túc, tương ứng với 5 loại quả: Mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài. Ngoài ra, còn có thêm quả thơm (dứa) với mong muốn con cháu đầy nhà và một cặp dưa hấu xanh vỏ đỏ lòng để cầu may mắn. Người miền Nam kiêng chuối vì sợ xui, không thăng tiến (chuối trượt, tạo cảm giác không bền vững, chuối phát âm giống chúi, nghĩa là không ngẩng lên được).

Mâm ngũ quả của người miền Nam. (Ảnh: internet)

Ngược lại tại miền Bắc, mâm ngũ quả thường có 5 loại: chuối, bưởi, đào, hồng, quýt. Cách trình bày truyền thống là: Chuối ở dưới cùng, đỡ lấy toàn bộ các loại quả khác. Chính giữa là quả bưởi hoặc phật thủ vàng. Các loại quả bày xung quanh. Những chỗ còn trống cài xen kẽ quýt vàng, táo xanh, hoặc những quả ớt chín đỏ.

Thời tiết và trang phục ngày Tết

Tại miền Bắc, Tết đến đồng nghĩa với những ngày mưa phùn lất phất và những cơn gió mang theo hơi lạnh. Người miền Bắc ra ngoài phải áo lạnh, khăn mũ ấm áp. Còn tại miền Nam thời tiết ấm áp dễ chịu nên người miền Nam khi ra đường chơi Tết có thể ăn mặc đủ kiểu, miễn là đẹp và hợp với ngày Tết.

Trang phục đặc trưng của miền Bắc trong dịp Tết là áo lạnh, khăn mũ ấm áp. (Ảnh: internet)

Món ăn ngày Tết

Người miền Bắc không dùng món trứng, vì người ta kiêng đập vỡ vỏ trứng, không may mắn. Trứng vịt lộn lại càng không vì người ta sợ xui xẻo và mọi cầu ước sẽ bị lộn ngược lại. Trong khi miền Nam mà thiếu trứng kho hột vịt thì lại không gọi là Tết.

Món thịt kho và dưa giá của miền Nam. (Ảnh: internet)

Ở miền Bắc ngày Tết có bánh chưng thì trong Nam có bánh tét, cùng nguyên liệu: gạo nếp, đậu xanh, thịt mỡ… nhưng bánh tét lại được gói khác hình dạng với bánh chưng. Bánh chưng hình vuông, còn bánh tét hình trụ dài.

Miền Bắc có dưa hành, miền Nam chuộng dưa giá.

Canh bóng bì của miền Bắc (Ảnh: internet)

Món canh đặc biệt của người miền Bắc là canh bóng bì, còn ở miền Nam người ta lại chuộng ăn canh khổ qua hầm.

Thói quen ngày Tết

Những ngày Tết, người miền Bắc thường dành nhiều thời gian đi chúc Tết họ hàng, trong khi đó người miền Nam thì ngược lại, đa số thích đi du xuân xả hơi sau một năm làm việc vất vả.

Người dân miền Bắc chúc tết họ hàng. Ảnh: tienphong

Khi tiếp khách đến chơi nhà trong ngày Tết, người miền Bắc thường mời trà và bánh mứt, còn ở miền Nam thì đa số dùng bia, rượu để tiếp khách.

Kiêng kỵ ngày Tết

Nhiều người ở miền Bắc thích đi ra đường chơi giao thừa, tiện thể xông nhà, nhưng theo quan niệm của người miền Nam thì mọi người phải canh giờ về, ở ngoài đường trong thời khắc chuyển giao qua năm mới là xui xẻo.

Người miền Bắc kiêng làm vỡ bát đĩa đầu năm. (Ảnh: internet)

Người miền Bắc kiêng cho lửa ngày Tết, kiêng cho nước đầu năm hay kiêng làm vỡ bát đĩa. Còn đối với người miền Nam phải cất chổi sau khi quét dọn, vì nếu trong ngày Tết mà để mất chổi thì có nghĩa cả năm đó gia đình sẽ bị trộm cắp viếng thăm vơ vét của cải.

Bình luận