Chờ...

Tết Đoan Ngọ với chiếc bánh ú nước tro

(VOH) - Dù không rộn ràng, náo nhiệt như ngày Tết cổ truyền nhưng Tết Đoan Ngọ vẫn được lưu truyền và có một vị trí nhất định trong lòng người Việt.

Ở Việt Nam, Tết Đoan Ngọ (mùng 5/5 âm lịch) còn được dân gian gọi là bằng cái tên dân dã hơn là Tết giết sâu bọ. Đây là một trong những ngày lễ truyền thống có nội hàm văn hóa phong phú. Không chỉ riêng ở Việt Nam hay Trung Quốc mà ở Triều Tiên, Hàn Quốc cũng có Tết Đoan Ngọ. Vì vậy, Tết Đoan ngọ thực chất là một phong tục lễ tết Á Đông gắn liền với quan niệm về sự tuần hoàn của thời tiết trong năm.

Do là "Tết Đoan Ngọ" nên giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ (từ 11 giờ trưa đến 1 giờ chiều). Tùy theo phong tục tập quán của từng vùng miền mà đồ cúng lễ có những món khác nhau, tuy nhiên, với người dân Nam Bộ, món ăn không thể thiếu trong mâm cúng đó là bánh ú nước tro hay còn gọi là bánh ú lá tre.

chiếc bánh ú lá tre

Trên mâm cúng, bên cạnh các loại trái cây, rượu nếp, thì những chiếc bánh ú lá tre là lễ vật không thể thiếu được dâng lên cúng tổ tiên, trời đất vào dịp này. Ảnh: internet

Bánh ú nước tro (bánh ú lá tre) là tên gọi của 1 loại bánh dân gian hình kim tự tháp được kết hợp giữa nhân đậu xanh, nếp và gói bằng 3 hoặc 4 chiếc lá tre, bên trong là nếp và nhân đậu xanh. Thành phần có vẻ đơn giản nhưng để làm ra chiếc bánh ú nước tro thì phải trải qua nhiều công đoạn hết sức công phu.

Ngày xưa, để có nước tro làm bánh, người ta lấy rơm nếp đốt lấy tro, hòa với nước cho tan, để lắng và lấy phần nước trong. Ngày nay phần nước tro đã có bán ngoài chợ nên tiện lợi hơn nhiều. Ngoài ra khi làm chúng ta cần lưu ý nếu nếp có độ trong ít thì không đẹp và trong nhiều quá thì bánh có hậu đăng đắng. Điều này tùy thuộc vào kinh nghiệm của người làm.

Khi gói bánh, người ta cuốn một đầu lá thành hình chiếc phễu, cho vào một ít nếp, nhân, bên trên thêm một lớp nếp nữa và gói lại thành một hình tam giác cho thật kín, dùng dây chuối buộc chặt bên ngoài. Sau khi gói xong, bánh được xếp vào nồi và đem luộc, khi bánh chín, vớt ra ngâm vào nước lạnh cho bánh nguội, sau đó buộc bánh thành từng chùm vào trên lên sàn cho bánh nhanh khô lá.

Khi bóc vỏ ra, chiếc bánh có màu vàng sẫm, trơn láng không dính vào lá. Cắn một miếng để cảm nhận bột bánh mềm, dẻo, phần nhân bên trong có vị ngọt thanh dễ chịu. Bánh ú nước tro dễ ăn, không gây ngán, bột bánh có vị mát nên được nhiều người ưa thích trong những ngày nóng.

Những chiếc lá tre nhỏ nhắn, sợi lạt thanh mảnh bọc lấy những cái bánh trong ngần be bé, xinh xinh… tất cả sự khéo léo, tinh tế đều nằm trong đó. Thú vị là loại bánh này càng nhỏ thì thể hiện người gói càng khéo tay.

Từ xưa, chiếc bánh ú nước tro là món ăn truyền thống của người Nam Bộ trong ngày Tết Đoan Ngọ. Năm nào cũng vậy, cách Mùng 5/5 khoảng vài ngày, các khu chợ lại nhộn nhịp hẳn lên với rất nhiều bánh ú lá tre được bày bán vì đây là loại bánh luôn hiện diện trên các mâm cúng ông bà vào ngày này.

Với bánh ú nước tro, không chỉ để nhắc nhớ mọi người về một cái Tết truyền thống ấm áp giữa năm, mà còn dịp để nhiều gia đình tăng thêm thu nhập từ nghề gói bánh.

Qua thăng trầm cuộc sống, Tết Đoan Ngọ ngày nay có đôi chút khác xưa. Ở thành thị đôi khi vì công việc nên Tết Đoan Ngọ trông không rôm rả như ở vùng quê. Song, niềm mong ước, những ý nghĩa tốt đẹp mà nó mang lại vẫn là những giá trị không gì thay thế được.