Sách và việc đọc sách là nét đẹp văn hóa tồn tại từ rất lâu đời của loài người trên thế giới. Riêng đối với những cuốn sách cũ, người Việt chúng ta thường hay sưu tầm với nhiều lý do khác nhau: có thể đó là cuốn sách quý, không có tái bản, tác giả của nó có thể đã qua đời hoặc NXB đó vốn không còn tồn tại…
Sách cũ được nhiều người yêu thích vì giá trị thực chứ không phải bề ngoài (Ảnh minh họa: LH)
Nhiều cuốn sách cũ vì vậy rất có giá trị, trong đó nó lưu giữ những dấu ấn rất đáng quý. Có lẽ vì vậy, việc sưu tầm sách từ lâu cũng đã trở thành một nét rất riêng trong văn hóa đọc của người Việt.
Ngày hội sách cũ do Công ty Cổ phần Văn hóa sách Sài Gòn vừa tổ chức ở Công viên 23/9 thu hút khá đông độc giả. Xen lẫn những mái đầu điểm bạc là những thanh niên tuổi đời còn rất trẻ, học sinh sinh viên cũng khá đông. Đây chính là điểm hẹn thú vị của nhiều độc giả ở TPHCM.
Ông Lê Quang Vĩ, quận 3 cho biết, sách là kho kiến thức vô giá. Ông cũng dành rất nhiều thời gian để tìm kiếm, sưu tập sách cũ. Nghe ở đâu có tổ chức bày bán sách cũ đều tìm đến để mua.
Có nhiều lí do để chọn sách cũ, nhưng điểm đặc biệt theo ông, sách dịch ngày nay nhiều cuốn dịch không còn chuẩn như trước, cấu trúc câu của người dịch không sát và có phần tối nghĩa. Đó là lí do khiến ông tìm đến với các hội chợ sách cũ.
“Tôi cũng ở tuổi muốn hoài niệm lại một thời tuổi trẻ hay đọc tiểu thuyết, thành ra giờ tôi cũng sẽ tìm lại cuốn tiểu thuyết đó để đọc lại. Thời đấy có thể cảm nhận sẽ không được như bây giờ. Bây giờ thậm chí đọc lại có thể còn hay hơn nữa” - ông Vĩ chia sẻ.
Đối tượng chính của sách cũ là người lớn tuổi nhưng không vì thế mà không gian sách cũ thiếu vắng các bạn trẻ, học sinh sinh viên.
Nhiều độc giả trẻ tìm đến với sách cũ không chỉ vì giá rẻ mà ở đó có thể có những nguồn tư liệu quý giá cho việc học, hoặc để thỏa mãn niềm đam mê sưu tầm sách cũ. Nhiều em còn tỏ ra thích thú khi cầm trên tay những cuốn sách mà tuổi đời của sách lớn gấp 3 lần tuổi của mình.
Em Đỗ Ngọc Quỳnh Anh, bày tỏ: “Em tới đây để tìm những cuốn sách mà mình chưa có mà các nhà sách cũng đã hết. Mình có thể tìm lại sách cũ với giá ưu đãi hơn. Hơn nữa, hiện nay nhiều bạn đa phần đọc trên ebook nhưng với bản thân tôi thích đọc trên sách hơn. Vì đa phần sách cũ có nhiều kiến thức lạ”.
Đến với không gian của Ngày hội sách cũ, Đỗ Quang Triết, sinh viên Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm TPHCM cho biết, việc tìm kiếm những cuốn sách sử cũ, cổ xưa chính là niềm đam mê của mình. Sách cũ thường viết khá chuẩn xác và nhiều kiến thức quý, bổ ích hơn bây giờ.
Ở thời buổi công nghệ thông tin phổ biến như hiện nay, kiến thức thì nhiều, trên mạng cái gì cũng có nhưng việc kiểm đếm, xác định thông tin, đặc biệt là thông tin về lịch sử lại rất mơ hồ, thiếu chính xác.
Triết chia sẻ: “Có cuốn sách quý chẳng hạn như của cụ Nguyễn Lê thì mình tìm kiếm đến mấy năm mới tìm ra. Đó là bản in ở Sài Gòn hồi trước năm 1975. Có nhiều cuốn mình tìm ra nhưng mà chủ lại không bán cho mình nên buộc phải đổi sách với người ta để lấy được cái cuốn mình tìm. Tôi chỉ muốn là giữ gìn những cuốn sách mà các thế hệ đi trước cất công đúc kết ra”.
Công ty Cổ phần Sách Sài Gòn cho biết, Ngày hội sách cũ TPHCM năm nay thu hút rất nhiều đơn vị trên cả nước tham gia với hơn 15.000 đầu sách, thuộc nhiều thể loại khác nhau như văn học, lịch sử, địa lý, khoa học, nghệ thuật.
Đây không chỉ là nơi trao đổi, mua bán sách mà còn là ngày hội dịp để tôn vinh những giá trị văn hóa tốt đẹp mãi trường tồn qua những trang sách xưa cũ, quý hiếm.
Nhà văn Lê Văn Nghĩa nói, đọc sách thì dù cũ hay mới đều có ý nghĩa rất tốt đẹp đối với người đọc. Riêng đối với sách cũ, nó có một cái gì đó cuốn hút, khiến người ta có thể tìm đọc lại những cái gì đã trải qua, nơi đó thời gian như cô đọng lại để họ tìm đọc lại những gì của ngày xưa.
Giữa dòng chảy tất bật của cuộc sống hiện đại, của thời đại công nghệ thông tin phủ sóng hầu khắp các lĩnh vực và sinh hoạt đời sống xã hội, trong đó có cả việc đọc sách, những cuốn sách cũ vẫn tồn tại được nhiều người dành tình cảm nâng niu, trân trọng, vì nó lưu giữ nhiều ký ức, kỷ niệm đẹp cho những người yêu sách, từ đó góp phần cho văn hóa đọc truyền thống tiếp tục được lưu truyền.