PGS - Nhạc sĩ Ca Lê Thuần lúc sinh thời. Ảnh: NLĐ
Phó Giáo sư - Nhạc sĩ Ca Lê Thuần sinh ngày 1/4/1938 tại thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre. Nguyên đại biểu Quốc hội các khóa VII,VIII,XI; nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi Đồng của Quốc Hội; nguyên Phó Trưởng Ban Văn hóa - Văn nghệ Trung ương; nguyên Thành ủy viên các khóa III, IV,V; nguyên Trưởng Ban Văn hóa - văn nghệ Thành ủy; nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin; nguyên Giám đốc Nhạc viện TPHCM; nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật VN; nguyên Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ VN; nguyên Bí thư Đảng Đoàn, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TPHCM; nguyên chủ tịch Hội Âm nhạc TPHCM. Được khen thưởng: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất; Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật; Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng.
Khi nhắc đến Phó Giáo sư - Nhạc sĩ Ca Lê Thuần, chúng ta nghĩ về một nhân cách lớn, một người Thầy tận tâm, một cuộc đời hết mình cho lý tưởng cao đẹp. Ông đã kế thừa truyền thống cách mạng vẻ vang của gia đình.
Sinh ra trong một gia đình tri thức, là con trai của Giáo sư Ca Văn Thỉnh - một nhà nghiên cứu văn học - văn hóa Nam Bộ hàng đầu VN, là một trong những người đầu tiên đề cập việc khai thác dòng văn hóa yêu nước Nam Bộ. Vì vậy, dòng máu tài hoa đã chảy trong tim Nhạc sĩ Ca Lê Thuần và các anh chị em của mình, đạo diễn Ca Lê Hồng là em gái, em trai là nhà thơ Ca Lê Hiến (Lê Anh Xuân) với bài thơ nổi tiếng “Dáng đứng Việt Nam”.
Nhạc sĩ Ca Lê Thuần đến với âm nhạc từ rất sớm, năm 16 tuổi đã là diễn viên văn công. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc. Năm 1957, theo học sáng tác tại trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Năm 1959, học sáng tác và lý luận âm nhạc tại Nhạc viện Odessa (Liên Xô cũ).
Trở về nước năm 1964, ông giảng dạy môn sáng tác và lý luận tại trường Âm nhạc Việt Nam, góp phần xây dựng chương trình, giáo trình các môn kiến thức âm nhạc cơ bản và chính quy, đồng thời tiếp tục sáng tác.
Giáo sư - Nhạc sĩ Thế Bảo, nhạc sĩ Trần Xuân Tiến ngậm ngùi khi nhắc về người đồng nghiệp, người anh, người bạn trong âm nhạc:
Những tác phẩm tiêu biểu của Nhạc sĩ Ca Lê Thuần thuộc nhiều thể loại, hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng, kịch múa.. như: “Chủ đề và biến tấu cho piano”, “Tứ tấu đàn dây”, “Thành phố lên đường”, “Người con gái đất đỏ”, “Việt Nam tiếng hát trái tim ta”, “Ánh sáng và bóng tối”...
Đặc biệt, “Người giữ cồn” là vở nhạc kịch đầu tiên viết về vùng đất và con người Đồng bằng Sông Cửu Long sau ngày giải phóng. Nội dung chính của vở nhạc kịch là câu chuyện xúc động, đan xen giữa khí thế hào hùng của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và chuyện tình trong sáng của những con người bình dị, cống hiến tuổi thanh xuân cho lý tưởng cao đẹp trong cuộc chiến khốc liệt ấy.
NSƯT-Nhạc trưởng Hoàng Điệp, Nghệ sĩ opera Khánh Ngọc - từng thể hiện vai chính trong vở “Người giữ cồn” và Đạo diễn sân khấu Tây Phong - học trò của Nhạc sĩ Ca Lê Thuần nghẹn ngào:
Dẫu biết rằng sự ra đi của ông là quy luật của tạo hóa, nhưng phải nói lời “sinh ly tử biệt” với một con người cao quý, đầy ắp nghĩa tình, một nhạc sĩ tài hoa, vui tính, một người thầy hết lòng vì học trò thì quả thật xót xa. Hình ảnh của ông ngoài đời đến lúc xuôi tay nhắm mắt với mái tóc trắng xóa, nụ cười hiền hòa sẽ ở mãi trong tim của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và những ai yêu mến các tác phẩm của ông.
Xin được nghiêng mình từ biệt một người Hiền trong âm nhạc, ông đã sống một cuộc đời đáng sống, khi ra đi để lại bao tiếc thương cùng với sự nghiệp đồ sộ cho người ở lại.
Để nói lời tạ từ, chúng tôi xin trích lại lời phát biểu của ông lúc sinh thời nhắc nhở giới văn nghệ sĩ trẻ luôn sống hết mình cho nghệ thuật: