Cà Mau, Bến Tre: Số học sinh nhiễm COVDID-19 tăng, các tỉnh lại cho học trực tuyến

(VOH) - Tỉnh Cà Mau ban hành Công văn về tổ chức dạy và học cấp mầm non và phổ thông theo đó cấp học mầm non cho trẻ dừng đến trường, học sinh lớp 1 - 7, chuyển sang học trực tuyến.

Do có số ca mắc COVID-19 trong trường học tiếp tục tăng, nhiều trường trên địa bàn tỉnh Cà Mau phải chuyển hình thức học sang trực tuyến, có trường bố trí cho khối lớp lớn đến trường, khối lớp nhỏ ở nhà học online.

Cà Mau, Bến Tre: Số học sinh nhiễm COVDID-19 tăng, tỉnh lại cho học trực tuyến 1
 Số học sinh nhiễm COVDID-19 tăng, có tỉnh lại cho học trực tuyến. Ảnh minh họa

Trước tình hình số ca F0 trong học sinh và giáo viên tăng cao, trên cơ sở khảo sát nhu cầu, nguyện vọng của phụ huynh học sinh, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ban hành Công văn về tổ chức dạy và học cấp mầm non và phổ thông.

Theo đó, từ hôm nay (17/3), cấp học mầm non cho trẻ dừng đến trường cho đến khi có thông báo mới. Các huyện, thành phố, căn cứ tình hình thực tế có thể chọn 1-2 điểm trường trung tâm trên địa bàn đảm bảo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, công tác phòng, chống dịch COVID-19 để nuôi dạy trẻ theo nhu cầu của phụ huynh.

Đối với học sinh lớp 1 đến lớp 7, chuyển sang học trực tuyến theo chương trình chính khoá. Trường hợp những em học sinh có nhu cầu học trực tiếp và được sự thống nhất của phụ huynh thì vẫn đến lớp học trực tiếp bình thường; giáo viên vẫn đến lớp dạy và tạo đường link nếu học sinh học tại nhà.

Đối với những trường học trên địa bàn chưa có ca nhiễm COVID-19 hoặc có ca nhiễm nhưng vẫn đảm bảo an toàn phòng chống dịch, trên cơ sở tham khảo và được sự đồng thuận của đa số phụ huynh học sinh thì có thể tổ chức dạy học trực tiếp. Những trường chưa đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị truyền dẫn, thì trước mắt tiếp tục duy trì các lớp học trực tuyến như trước đây qua các phần mềm ứng dụng và dạy học qua truyền hình.

Tại Bến Tre, ngày 15/3, học sinh tại TP Bến Tre và huyện Mỏ Cày Bắc chuyển qua học trực tuyến sau khi tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, bên cạnh những địa phương phải chuyển hình thức học sang trực tuyến do số ca mắc tăng cao thì một số địa phương đã cho học sinh phổ thông quay lại trường học trực tiếp.

Tại Tiền Giang, mỗi ngày có khoảng 10.000 học sinh học trực tuyến, trong đó có các em học sinh bị nhiễm COVID-19 và cũng có nhiều em bị bệnh thông thường hoặc vì một lý do nào đó không đến trường học trực tiếp được và do phụ huynh chưa an tâm cho con đi học trực tiếp cũng có.  Các cơ sở giáo dục xây dựng và thực hiện dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến cho học sinh thuộc diện F0, F1 và những học sinh chưa có điều kiện đến trường học tập trực tiếp nhằm đảm bảo duy trì chất lượng giáo dục và không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, từ 15/3, học sinh THCS, THPT trên địa bàn sẽ đi học trực tiếp trở lại. Cấp mầm non và tiểu học tiếp tục học trực tuyến cho đến khi có thông báo mới.

Tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sau 21 ngày chuyển đổi từ dạy học trực tiếp sang dạy học trực tuyến tại các trường mầm non, phổ thông trên địa bàn huyện (từ ngày 22/2), số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong học sinh, giáo viên đã giảm mạnh, số ca F0 khỏi bệnh tăng, không có ca chuyển biến nặng phải can thiệp y tế.

Các trường chưa được tổ chức các hoạt động ăn, uống tại căn-tin trong tuần đầu tiên học trực tiếp trở lại, sắp xếp thời khóa biểu hợp lý, trong đó buổi sáng bắt đầu từ 7h30, buổi chiều bắt đầu từ 14h, buổi sáng dạy và học không quá 4 tiết, buổi chiều không quá 3 tiết, riêng khối lớp 12 không quá 8 tiết/ngày.

Tại Lào Cai, TP. Lào Cai đã cho toàn bộ học sinh cấp tiểu học và lớp 6 trở lại trường học tập trực tiếp từ 14/3. Theo đó, đối với cấp tiểu học, thành phố Lào Cai có 7.673 học sinh đi học trực tiếp, đạt tỉ lệ gần 57%.

Tại Yên Bái, tất cả cơ sở giáo dục thuộc các địa phương cấp độ dịch mức 1, 2 cho trẻ mầm non, học sinh, sinh viên đi học trực tiếp từ ngày 15/3.

Tại Hưng Yên, từ ngày 15/3, trẻ mầm non, học sinh phổ thông tỉnh Hưng Yên trở lại trường học trực tiếp. Công tác tổ chức bán trú và dạy học đảm bảo an toàn phòng, chống dịch được chú trọng.