Cần tháo gỡ bất cập trong hệ thống pháp luật để khoa học công nghệ phát triển

(VOH) – Nhiều nhà khoa học nêu ra hàng loạt điểm nghẽn chính sách trong nghiên cứu khoa học làm ảnh hưởng tới hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo.

Ý kiến trên được đưa ra tại Hội nghị thường niên về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực lần thứ 2 năm 2022 do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) phối hợp với Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức sáng 24/12.

Theo PGS.TS Vũ Hải Quân (giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM) mặc dù chính sách, pháp luật về khoa học công nghệ hiện đã được điều chỉnh, đổi mới nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc.

Theo ông Quân, bên cạnh công việc, nghiên cứu khoa học, viết bài báo, các nhà khoa học tại Đại học Quốc gia TPHCM còn phải làm thanh quyết toán, thủ tục giải ngân đề tài… mất rất nhiều thời gian.

"Không nên biến nhà khoa học thành kế toán viên, đã đến lúc có cơ chế đồng giám sát. Các sản phẩm, kết quả nghiên cứu nên để các nhà khoa học tự giám sát lẫn nhau” - PGS.TS Vũ Hải Quân nói.

Khi các nhà khoa học làm đề tài nghiên cứu cần công bố và công khai trên mạng để các nhà khoa học khác giám sát.

Cần tháo gỡ bất cập trong hệ thống pháp luật để khoa học công nghệ phát triển 1
Ông Huỳnh Thành Đạt - Bộ trưởng Bộ KH-CN phát biểu. 

Phát biểu tại hội nghị, ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ KH-CN cho biết, trong thời gian tới bộ này sẽ tập trung triển khai bốn nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

“Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường nguồn lực xã hội đầu tư cho lĩnh vực này, nhất là từ doanh nghiệp” – Ông Đạt chia sẻ.

TS Chu Thúc Đạt - vụ trưởng Vụ Phát triển Khoa học và Công nghệ địa phương, Bộ KH-CN cũng kiến nghị xây dựng và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách nhằm phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ.

Xây dựng cơ chế gắn kết hoạt động nghiên cứu với triển khai và chuyển giao công nghệ để ứng dụng nhanh các kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống.