Cần xây dựng đội ngũ tư vấn học đường chuyên nghiệp

(VOH) - Sáng 26/4, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM tổ chức hội thảo Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông.

Tham dự hội thảo, đoàn công tác Hội đồng Nhân dân Thành phố, Sở Y tế cũng đã có những ý kiến đóng góp nhằm hướng đến sự phát triển sức khoẻ tinh thần cho học sinh thành phố.

Tính đến năm 2021, Thành phố có  646 trường thành lập phòng tư vấn tâm lý, hơn 10.000 giáo viên nhân viên được phân công công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường.

Trong đó, hơn 1.700 giáo viên làm công tác tư vấn được tập huấn, bồi dưỡng cấp chứng chỉ theo quy định thông tư 31  và hơn 3.500 giáo viên làm công tác tư vấn được bồi dưỡng tập huấn khác. Có hơn 580.000 học sinh được tư vấn tâm lý lứa tuổi, giới tính, sức khoẻ sinh sản vị thành niên; hơn 887.000 học sinh được tư vấn giáo dục  kỹ năng, biện pháp ứng xử văn hóa, phòng chống bạo lực, xâm hại và xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; 149.000 học sinh tham vấn tâm lý khi gặp khó khăn cần can thiệp.

can-xay-dung-doi-ngu-tu-van-hoc-duong-chuyen-nghiep-voh.com.vn-anh1
Hội thảo Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông.

Theo bà Phạm Thị Kim Dung, giáo viên tư vấn tâm lý, trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, học sinh thường gặp một số các khó khăn như nỗi lo bị bạn bè cô lập, tâm lý tự ti về ngoại hình, mâu thuẫn lựa chọn nghề nghiệp với gia đình... Bên cạnh đó, các em sử dụng mạng xã hội quá nhiều nên thiếu tập trung trong học tập, trong mối quan hệ người với người trong thực tế, nhiều em còn thiếu định hướng trong tương lai nghề nghiệp của mình.

Giáo viên tâm lý này cũng cho rằng, lý do hạn chế các em đến phòng tư vấn học đường là sợ mọi người dị nghị, sợ không được giữ được sự riêng tư. Công tác tư vấn tâm lý gồm rất nhiều đầu việc như: lên chuyên đề, khảo sát, tư vấn, có các biện pháp phòng ngừa.... Vì vậy, giáo viên này kiến nghị: "Rất mong lãnh đạo nhìn nhận đúng vai trò của giáo viên tâm lý và tạo điều kiện cho giáo viên tâm lý thực hiện đúng công việc và chức trách của mình trong trường.

Nhiều giáo viên tâm lý học đường đã rời bỏ nghề của mình, nhiều giáo viên phải làm giám thị. Trong khi đó, lực lượng giáo viên tâm lý đang thiếu lại điều đi làm những công việc không đúng chức năng".

Theo Tiến sĩ Huỳnh Văn Chẩn, Trưởng khoa Công tác xã hội  Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, việc tư vấn học đường không chỉ dùng lời nói giáo điều, tư vấn "chay" mà phải có phương pháp chuyên môn, công cụ hỗ trợ.

Tuy nhiên hiện các phòng tư vấn học đường đa số chưa đủ chuẩn. Một số chương trình đào tạo chỉ 3 ngày, lấy mỗi học viên 3 triệu để cấp chứng chỉ tư vấn tâm lý. Đây là đào tạo mang tính thương mại, gây những ảnh hưởng không tốt đến công tác tư vấn học đường.

Tiến sĩ Huỳnh Văn Chẩn đề xuất các cơ sở giáo dục cần thành lập phòng tư vấn chuyên nghiệp, cán bộ tư vấn tâm lý cần có chuyên môn và ý thức trao dồi thêm kiến thức kỹ năng và kỹ thuật tư vấn tâm lý: "Theo quan điểm của tôi, mỗi phòng giáo dục cần đào tạo 1 người làm công tác tư vấn chuyên nghiệp. 22 phòng giáo dục và đào tạo sẽ có 22 người, từ đó xây dựng hệ thống đội ngũ chuyên nghiệp. Từ đội ngũ này, chúng ta đào tạo cho các trường phổ thông".

Thực tế cho thấy hiệu quả công tác học đường phụ thuộc nhiều vào sự quan tâm của hiệu trưởng, ban giám hiệu nhà trường. 

Vì vậy, theo ông Phạm Đăng  Khoa, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 3, để phát huy hiệu quả công tác tư vấn học đường, cần có tiêu chuẩn đầy đủ với giáo viên tâm lý cũng như tăng cường kết nối chuyên môn với khoa tâm lý giáo dục của trường Sư phạm: "TPHCM từ năm 2008 đã tham mưu thành phố về biên chế giáo viên tư vấn tâm lý. Bây giờ là thời điểm chín muồi để nhắc lại việc này. Hiện tại, tình trạng cũng như nhu cầu thực tế ngày càng căng thẳng, sự cần thiết của một giáo viên tâm lý tại trường học rất quan trọng".

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng công tác tư vấn học đường hiện chỉ dừng ở việc hỗ trợ, phát hiện, rà soát, tư vấn kịp thời. Còn việc điều trị các ca nặng cần phải kết nối với các đơn vị chuyên khoa.

Tới đây ngành y tế và giáo dục sẽ phối hợp xây dựng hệ thống nhóm chuyên gia và công bố đến các trường. Bên cạnh đó, ngành y tế sẽ biên soạn một số tài liệu về các vấn đề tâm lý  học đường để giáo viên và học dễ hiểu, dễ nắm.

Hai ngành cũng sẽ ngồi lại đánh giá hiệu quả của việc thực hiện theo thông tư 31 (hướng dẫn công tác tư vấn tâm lý học sinh trong trường phổ thông), từ đó xây dựng chương trình y tế học đường thành phố phù hợp với tình hình mới.