Cao đẳng – Trung cấp công lập lo tự chủ sẽ tuyển sinh kém ?

(VOH) - Tại buổi toạ đàm, đa số ý kiến tập trung nêu lên những khó khăn trong xã hội hoá giáo dục, đặc biệt là vấn đề tuyển sinh.

Những bất cập khi thực hiện mô hình giáo dục theo kiểu trường cao đẳng, trung cấp công lập tự chủ tài chính một lần nữa được xới lên trong buổi toạ đàm: “Thực trạng và giải pháp hướng tới tự chủ tài chính của các Trường Cao đẳng và Trung cấp công lập trên địa bàn TPHCM” do Sở Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức. Đa số ý kiến tập trung vào những khó khăn trong xã hội hoá giáo dục, nhất là xung quanh các vấn đề về tài chính, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và đặc biệt là vấn đề tuyển sinh.

Tại TPHCM, có gần 400 cơ sở giáo dục dạy nghề và duy nhất Trường Cao Đẳng Kỹ nghệ II được Chính phủ ký quyết định thí điểm cơ chế tự chủ từ năm 2016. Năm 2017, TP tuyển sinh khoảng 400.000 học sinh, sinh viên, trong đó 50.000 học sinh, sinh viên đang tham gia học nghề.

Tự chủ nhưng phải công bằng

Phó hiệu trưởng Bùi Văn Hưng Trường Cao đẳng Kỹ Nghệ II cho hay, từ khi trường thực hiện cơ chế tự chủ về quản lý, tài chính cũng như liên kết đào tạo, thì cán bộ nhân viên của trường cũng dành toàn tâm toàn lực để giảng dạy chứ không còn chạy "vòng ngoài" như trước. Năm 2017 trường tuyển sinh được hơn 2.000 sinh viên, tăng 500 sinh viên so với năm 2016. Tuy nhiên để thu hút thêm được sinh viên theo học thì yêu cầu học phí các trường phải như nhau, để đảm bảo công bằng trong giáo dục, không nên có những trường công đóng học phí quá thấp so với mặt bằng chung như hiện nay.

"Khó khăn và thách thức lớn nhất đối với nhà trường hiện nay là do nguồn thu học phí của các đơn vị trường khác rất thấp. Xu thế tự chủ đến năm 2021 là tất yếu và tôi mong muốn triển khai một cách toàn diện trong hệ thống. Chúng ta không cần quy hoạch nữa, tự chủ sẽ dẫn đến đào thải các đơn vị không đạt và định hướng cho quy hoạch", ông Hưng đề nghị. 

HIệu trưởng Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật TPHCM Phạm Đức Khiêm kiến nghị, nên có cơ chế riêng cho doanh nghiệp, ví dụ khi họ nhập máy móc trang thiết bị về trường phục vụ giảng dạy thì được miễn thuế hoặc những sản phẩm của họ khi đưa ra thị trường sẽ được miễn thuế, có như vậy các trường mới tự chủ được.

"Đến năm 2021, theo lộ trình là mình tự chủ được. Vậy bây giờ làm sao chúng ta có trang thiết bị máy móc hiện đại từ các doanh nghiệp đầu tư. Chúng tôi sẽ cùng với học sinh sinh viên làm nhiệm vụ gia công thì tiền lời chúng tôi sẽ trừ dần trong việc đầu tư máy móc, thiết bị để đến một thời điểm nhất định thì trang thiết bị đó sẽ thuộc về nhà trường. Đây là cách giúp nhà trường có được trang thiết bị cho sinh viên thực hành nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội nhưng đây vẫn là thách thức", ông Khiêm đề xuất.

Quang cảnh buổi tọa đàm “Thực trạng và giải pháp hướng tới tự chủ tài chính của các Trường Cao đẳng và Trung cấp công lập trên địa bàn TPHCM”

Quang cảnh buổi tọa đàm “Thực trạng và giải pháp hướng tới tự chủ tài chính của các Trường Cao đẳng và Trung cấp công lập trên địa bàn TPHCM”

Muốn tự chủ, phải giải quyết bài toán lương giáo viên và tuyển sinh

Bà Phạm Quang Trang Thủy – Hiệu trưởng Trưởng Trường trung cấp nghề Kỹ thuật Hùng Vương cho rằng Tự chủ là cần thiết nhưng cũng phải đảm bảo được mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục. Muốn nâng cao chất lượng giáo dục, thì phải giải quyết vấn đề lương giáo viên, làm sao đảm bảo cho đội ngũ này sống được bằng lương của mình.

"Để tự chủ hoàn toàn thì bộ máy tổ chức nhân sự là do Hội đồng quản trị nhà trường làm. Tốt hơn là tự chủ một phần về tài chính. Còn tuyển sinh cũng đang là vấn đề rất băn khoăn. Tuy nhiên, tự chủ sẽ cho tôi quyết định nhiều thứ khi muốn lên dự án, điều này sẽ giúp khâu tuyển sinh tốt hơn".

Theo Tiến sỹ Huỳnh Thanh Điền, thành viên nhóm tư vấn Đề án công nghiệp hỗ trợ TPHCM thì các trường sẽ được tự quyết trong tất cả hoạt động của mình mà không cần chờ duyệt từ cấp trên và như vậy các trường sẽ năng động hơn trong việc chủ động liên kết, đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất.

Tuy nhiên, các trường cần có nguồn thu thì mới hoạt động được, nếu trường nào hoạt động không tốt thì buộc phải giải thể: "Hiện nay các trường không tuyển sinh được cho nên mới ngại tự chủ vì không có đủ kinh phí. Nhưng ngại tự chủ như vậy, vẫn tiếp tục sống bằng ngân sách nhà nước rót xuống. Khi ngân sách rót xuống như vậy sẽ tiếp tục dẫn đến tình trạng kém năng động, kém sáng tạo. Chất lượng kém lại không tuyển sinh được", ông Điền thẳng thắn nói. 

Tiến sỹ Huỳnh Thanh Điền, thành viên nhóm tư vấn Đề án công nghiệp hỗ trợ TPHCM, phát biểu tại tọa đàm voh.com.vn

Tiến sỹ Huỳnh Thanh Điền, thành viên nhóm tư vấn Đề án công nghiệp hỗ trợ TPHCM, phát biểu tại tọa đàm.

Trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề tuyển sinh, ông Đặng Minh Sự - Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp của Sở LĐTB&XH TPHCM nhận định: "Nếu không tự chủ tài chính thì họ chỉ tuyển sinh và dạy những cái gì mà trang thiết bị họ có. Hiện nay các trường chưa tuyển sinh theo nhu cầu của đối tượng học và điều này kèm theo là phải thay đổi trang thiết bị. Đây là cái khó của các trường.

Cứ trường nào đầu tư trang thiết bị mới, hiện đại thì họ tuyển sinh tương đối đạt. Bên cạnh đó trình độ giáo viên chưa đạt chuẩn so với ngành nghề của khu vực. Do đó, sắp tới sẽ có những chương trình đào tạo để cử anh em ra nước ngoài học. Ngoài ra, sẽ căn cứ theo luật, quy định trong vòng 2 năm mà trường tuyển sinh không được thì sẽ bị thu hồi". 

Tự chủ tài chính trong các trường cao đẳng và trung cấp công lập là chủ trương đúng nhưng để thực hiện công tác này hiệu quả phải tạo được sự đồng tình và huy động được nguồn lực xã hội, đồng thời phải có sự thống nhất về quan điểm, nội dung và mục tiêu để đảm bảo chất lượng và hiệu quả đào tạo. 

Chính vì hàm lượng kiến thức lý thuyết quá nhiều, trong khi các kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng nghiệp vụ chưa cao là hạn chế của toàn bộ hệ thống giáo dục Việt Nam.