Chuyển đổi số trong giáo dục thông minh

(VOH) - Giáo dục thông minh góp phần chuyển đổi giáo dục quốc tế, giúp người học học tập dễ dàng, hiệu quả và toàn diện ở các môn học, giúp gìn giữ văn hoá, truyền thống hiếu học của người Việt.

Tại Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu Đảng Bộ TPHCM lần thứ XI, Nhiệm Kỳ 2020-2025 (Lần 2), một trong những nội dung của chương trình đột phá phát triển nhân lực và văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, đó là Đề án giáo dục thông minh và học tập suốt đời giai đoạn 2020 - 2030.

Có thể thấy, giáo dục thông minh góp phần chuyển đổi giáo dục quốc tế, giúp người học học tập dễ dàng, hiệu quả và toàn diện ở các môn học, giúp gìn giữ văn hoá, truyền thống hiếu học của người Việt. Bên cạnh đó, ứng dụng chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo cũng giúp tăng cường tính quốc tế về giáo dục, đẩy mạnh hợp tác với các trường trên thế giới, việc nắm tình hình, quản lý hệ thống giáo dục cũng như kết nối, xây dựng cơ sở dữ liệu, nhất là công tác dự báo về nhân lực trở nên dễ dàng hơn.

giáo dục thông minh

Bà Phạm Thị Diễm – Giám đốc Điều hành IEG Việt Nam

Nhận định về tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành giáo dục - đào tạo thành phố, chia sẻ về những giải pháp ứng dụng công nghệ hỗ trợ cho ngành giáo dục Thành phố trong thời gian qua, bà Phạm Thị Diễm – Giám đốc Điều hành IEG Việt Nam có những phân tích ngay sau đây:

- Công nghệ thông tin không chỉ là trợ thủ đắc lực cho các giáo viên mà còn là người bạn đồng hành thân thiết của các học sinh trong xã hội học tập, kỷ nguyên tri thức số. Việc ứng dụng CNTT trong học tập sẽ hỗ trợ rất tốt cho việc học tập của học sinh, giúp học sinh tìm được nhiều tư liệu tham khảo hay hoặc thực hành được các thí nghiệm mô phỏng ảo,... từ đó sẽ củng cố và nâng cao kiến thức, giúp học sinh làm tốt các bài kiểm tra, bài thi,...

- Về tổng thể, giáo dục thông minh (SMART Education) được hiểu là “sự tích hợp toàn diện công nghệ, khả năng tiếp cận và kết nối mọi thứ qua Internet bất cứ lúc nào và ở đâu” (Uskov, V., Howlet, R. Jain, L., 2017); cần phải thực hiện đồng bộ, toàn diện mọi mặt dựa trên nền tảng ứng dụng CNTT, bao gồm: lớp học thông minh (Smart Classroom-SmCl), môi trường thông minh (Smart Environment-SmE), người dạy thông minh (Smart Teacher-SmT), khuôn viên thông minh (Smart Campus-SmC), nhà trường thông minh (Smart School-SmS). Hiện có 3 ứng dụng chủ yếu về cách thức tích hợp công nghệ vào lĩnh vực giáo dục đào tạo:

- Thứ nhất: ứng dụng thiết bị thông minh hỗ trợ cho công tác giảng dạy, đào tạo và học tập. Chẳng hạn, IEG hiện đang cung cấp các giải pháp thiết bị các ngành nghề trong giáo dục dạy nghề cho phép sử dụng các mô hình mô phỏng ứng dụng 3D, AR, VR (virtual lab), đây chính là công cụ hữu ích giúp các kỹ sư phân tích và dự đoán được tình trạng của các hệ thống hạ tầng thiết bị trong thế giới thực. Bên cạnh đó, IEG cũng đã lấy ý kiến chuyên gia là Giám đốc các Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Ban Giám hiệu các trường cao đẳng và cao đẳng nghề trên cả nước trong việc kết nối cơ sở dữ liệu ngành đảm bảo công tác thống kê số liệu tuyển sinh, số liệu sinh viên tốt nghiệp, sinh viên có việc làm trên cả nước.

- Thứ hai: các khóa học đại trà trực tuyến mở với mô hình các lớp học ảo (virtual class) đã kết nối giữa người thầy và người học một cách linh hoạt mọi lúc, mọi nơi và tận dụng các nguồn lực để gia tăng chất lượng đào tạo. Chính việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và đào tạo đã giúp giải phóng giới hạn hoạt động giảng dạy truyền thống bị gò bó trong lớp học, định hướng môi trường học mở, người học tham giá các lớp học trực tuyến một cách độc lập và theo chương trình được thiết kế riêng đảm bảo phù hợp đúng với năng lực của học (personalize learning design). Về phía cơ sở đào tạo nghề, các đơn vị không đòi hỏi xây dựng công trình nhà xưởng, phòng thực hành quá nhiều và vẫn đảm bảo mở rộng được quy mô số lượng học viên khi cho người học được học thực hành trên các phần mềm mô phỏng đã được tích hợp với lớp học trực tuyến. Hiện IEG đang tư vấn triển khai mô hình lớp học trực tuyến cho hệ thống các môn học chung, hệ thống các trường trong khối giáo dục nghề nghiệp triển khai thành công mô hình đào tạo trực tuyến, ứng dụng quản lý mô hình lớp học ảo một cách chuyên nghiệp và hiệu quả.

- Thứ ba: ứng dụng sáng tạo mở là sự kết hợp giữa con người và máy tính để hình thành hệ thống có nguồn lực phân tán thực hiện các nhiệm vụ đổi mới mà bản thân con người hay máy tính đều không thể hoàn thành được. Cùng với khái niệm IoT (internet of thing) đã và đang thay đổi ngành giáo dục và chuẩn bị cho các thế hệ tương lai về thực tế kết nối mới. IoT có thể kết nối tất cả các trường học, học viện trên thế giới để cung cấp các trải nghiệm sâu hơn cho người học. Nó cũng giúp sinh viên kết hợp được giữa lý thuyết và ứng dụng thực tế. Sự sáng tạo của giáo viên cũng được tăng lên khi có thể tập trung nhiều hơn vào chương trình giảng dạy. Đây cũng là một thay đổi đáng kể cho cả lẫn giáo viên và học sinh có thể xem các dữ liệu thực tế thay vì tập trung vào sách giáo khoa. Cơ hội học tập được cải thiện làm giảm thời gian nắm bắt lý thuyết của học viên, thức đẩy học sinh, sinh viên.

Điều quan trọng hơn hết, quy trình quản lý được xây dựng dựa trên danh mục các hướng dẫn thực hiện công việc và phân công cho từng nhóm đối tượng sử dụng, thiết lập hệ sinh thái giải quyết các vấn đề cụ thể, sau đó có thể kết hợp xử lý yêu cầu của nhiều đối tượng đóng góp ban đầu với tính toán của máy tính để xây dựng các mô hình đáng tin cậy cho các hệ thống phức tạp và có quan hệ tương hỗ với nhau nhằm thực hiện các nhiệm vụ cụ thể của quy trình quản lý và đào tạo.

Với mong muốn chia sẻ giải pháp IoT đến hệ thống giáo dục Việt Nam nói chung cũng như hệ thống giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam, IEG hiện đang cùng đồng hành với nhóm chuyên gia quốc tế cũng như các đơn vị triển khai quốc tế để cùng tư vấn triển khai mô hình tại đơn vị giáo dục nghề nghiệp Việt nam một cách nhanh chóng và hiệu quả, đáp ứng các yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp giáo dục 4.0.

Bài, ảnh: Thùy Linh