Chuyện học sinh đến trường với áo hình 'Teppy siêu quậy' gần 30 năm trước

(VOH) - Thanh niên online vừa đăng bài viết chia sẻ của Thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie Hà Nội nói về giáo dục nhân văn, thân thiện và nhân ái với học sinh. VOH trích đăng.

Việc cô giáo ở Vĩnh Phúc cắt tóc học sinh trước lớp khiến tôi nghĩ đến cách ứng xử của mình với học trò vì chiếc áo hình "Teppy siêu quậy" mà các em mặc đến lớp thay vì đồng phục của trường, 28 năm trước.

Một ngày tháng 10.1995, sáng sớm, thầy Thiện, Bí thư Đoàn trường, báo với tôi: học sinh lớp 12P hôm nay không mặc đồng phục của trường, thay bằng áo phông đen in hình "siêu quậy Teppy" to đùng sau lưng.

Chuyện học sinh đến trường với áo hình 'Teppy siêu quậy' gần 30 năm trước 1
Thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội bên học sinh nhân buổi khai giảng năm học mới

Tôi hỏi: "Thầy thấy thế nào?". "Không ổn anh ạ", thầy Thiện nói. 

Tôi và thầy Thiện xuống lớp 12P. Đồng phục của trường khi đó là áo sơ mi trắng, quần âu xanh đen, lớp này đã thay bằng áo phông đen in hình "siêu quậy Teppy" sau lưng. 

Tôi nói: "Các em không mặc đúng đồng phục của trường, từ ngày mai không được như thế này, đi học phải mặc đồng phục theo quy định". 

Mọi chuyện tưởng chỉ dừng ở đó, vài ngày sau, tôi nhận được "tâm thư" của học sinh lớp 12P. Bức thư khá dài, bày tỏ nỗi "ấm ức" vì bị nhà trường cấm mặc cái áo mà các bạn trong lớp đã dày công thiết kế, hào hứng mặc đến trường ra mắt mọi người. Niềm vui vừa nhen nhóm đã bị dập tắt! 

Tôi có nhiều suy nghĩ sau khi đọc thư của học sinh 12P. Nhưng vẫn cấm các em mặc áo đó đến trường và không trả lời. Tôi còn lưu giữ bức thư đó đến tận bây giờ, 28 năm rồi, là một kỷ vật đáng yêu của học trò. 

Năm 2012, Gala 20 năm của Trường Marie Curie, học trò 12P trưởng thành, ở tuổi 35, về dự hội trường. Thầy trò vui mừng gặp lại nhau, câu chuyện "cái áo phông mang hình Teppy" được nhắc lại như một kỷ niệm không bao giờ quên. 

Tôi chân thành nói với các em: "Hồi đó thầy vừa lạc hậu, vừa cứng nhắc. Đó là một bài học của thầy. Về sau, thầy nhìn sự việc khác hơn trước rất nhiều. Thầy cần phải thay đổi. Học sinh Marie Curie bây giờ sướng hơn thời của các em rất nhiều". 

28 năm rồi, xã hội có nhiều thay đổi. Con người cũng phải thay đổi phù hợp - phải biết trân trọng nhau, tôn trọng sự khác biệt! Tôi ân hận bởi lúc đó đã xử sự như vậy. Việc cất cẩn thận bức thư đó cho đến bây giờ, sau 28 năm, nói được phần nào suy nghĩ của tôi về việc này. 

Gần đây, sự việc cô giáo ở Vĩnh Phúc cắt tóc một học sinh nữ trước cả lớp, vì bạn này nhuộm tóc vi phạm quy định của trường, bị dư luận phản đối dữ dội. Nhiều nhà báo hỏi tôi, ở Trường Marie Curie có quy định về trang phục, trang điểm của học sinh không?

Tôi trả lời: nội quy của trường không có điều khoản nào cấm học sinh về trang phục, trang điểm. Đồng phục học sinh được nhà trường cấp phát, rất đẹp, học sinh rất thích và tự hào. Học sinh có thể sử dụng phấn son, nhuộm tóc, sơn móng tay, móng chân… ở mức vừa phải, phù hợp lứa tuổi và phù hợp môi trường sư phạm.

Trường hợp học sinh trang điểm bất thường, thái quá… thì cô giáo chủ nhiệm sẽ khuyên giải để học sinh tự điều chỉnh. Đánh giá phẩm chất của học sinh chủ yếu ở tinh thần, thái độ học tập và rèn luyện. Hình thức bên ngoài không khẳng định phẩm chất con người.

Sau chuyện này cũng có ý kiến cho rằng giáo viên bây giờ áp lực vì những thông tin đưa lên mạng xã hội, khó trách phạt học sinh; vị thế, "quyền uy" của người thầy bị giảm sút trước học trò và hỏi tôi nghĩ ra sao về điều này?

Tôi cho rằng, về phía phụ huynh và học sinh cũng có vấn đề cần điều chỉnh. Nhưng cơ bản vẫn ở giáo viên và nhà trường. Nhà trường và giáo viên thật sự thân thiện, nhân ái với học sinh thì sẽ nhận được điều tương tự từ học sinh và phụ huynh.