Đào tạo lao động nông thôn: Chủ động đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0

(VOH) - Nền nông nghiệp 4.0 đòi hỏi đội ngũ lao động có trình độ tay nghề cao, thành thạo trong việc ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất…

Vấn đề đặt ra yêu cầu trong giai đoạn tới đây về đào tạo nghề nông nghiệp nói chung và đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói riêng. Đây là nội dung được đưa ra tại hội thảo đào tạo nghề cho lao động nông thôn với chủ đề “Xu hướng ứng dụng và phát triển công nghệ cao trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn TPHCM trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0” do Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM tổ chức vào sáng 29/11.

nông thôn, cách mạng 4.0

Quang cảnh hội thảo “Xu hướng ứng dụng và phát triển công nghệ cao trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn TPHCM trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0”

Trong giai đoạn 2010 – 2019, Thành phố có  trên 717.000 lao động nông thôn đã qua đào tạo trong tổng số 847.000 lao động nông thôn đạt tỉ lệ 84%. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn thời gian vừa qua đã có nhiều kết quả khả quan, cung cấp các kiến thức chuyên môn - kỹ năng nghề phù hợp với nhu cầu của người lao động.

Tuy nhiên, vẫn còn có một số hạn chế khăn được nhận định như: công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn chưa đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của địa phương; Một số lao động khi được hỗ trợ chi phí học nghề còn tâm lý chưa chấp hành tốt nội quy học tập, không đi học đều hoặc bỏ học giữa chừng, không ít người lao động vì mưu sinh trong đời sống cấp thiết hoặc chưa hiểu đầy đủ về sự cần thiết và lợi ích của việc học nghề nên không học nghề. Bên cạnh, cán bộ làm công tác quản lý đào tạo nông thôn ở cấp huyện chưa có chuyên trách, thiếu thường xuyên kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện…

nông thôn, cách mạng 4.0

Tiến sỹ Từ Minh Thiện – Phó trưởng ban, Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao Thành phố phát biểu tại hội thảo

Tại hội thảo, đại biểu Đinh Công Tiến – Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp cho rằng mục tiêu là giúp cho nông dân có việc làm và có thu nhập trong bức tranh 5 đến 10 năm sau chứ không phải giúp cho họ có nghề, giúp họ kiếm được việc làm và nâng cao thu nhập vì vậy cần phải nghiên cứu về nhu cầu. Phải kết hợp giữa đào tạo lý thuyết và người hướng dẫn thực hành, cái đó cực kỳ quan trọng.

Tiến sỹ Từ Minh Thiện – Phó trưởng ban, Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao Thành phố nhấn mạnh: Tốc độ phát triển nhanh chóng của cách mạng công nghệ 4.0 sẽ khiến cho không có chương trình đào tạo nào có thể theo kịp. Vì vậy, cơ sở đào tạo chỉ có thể trang bị những kiến thức cơ bản luôn luôn cần để người lao động tự học, tự thích ứng.

"Chúng ta phải biết thị trường đang cần cái gì và điều này cũng khó để người nông dân có thể có cái nhìn toàn diện. Và phía cơ quan quản lý nhà nước phải có khảo sát về nhu cầu đào tạo trong xã hội và cung cấp lại thông tin đó cho người nông dân. Dựa trên cơ sở đó người nông dân sẽ tự quyết định nên làm gì, sản xuất gì hoặc làm nghề nào mà có thể kiếm sống được bằng nghề đó", ông Thiện nói.

Một số ý kiến cho rằng Thành phố cần đào tạo nghề gắn với việc giới thiệu việc làm và tiêu thụ sản phẩm cho người lao động; mức hỗ trợ tiền học phí và tiền ăn cho người học nghề theo Quyết định số 1956 được quy định từ năm 2009 đến nay không phù hợp, không thu hút được người lao động nhàn rỗi ở nông thôn đi học nghề để có điều kiện giảm nghèo. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức của người dân về học nghề nông nghiệp, nhất là lao động trẻ việc đào tạo nghề là một nhu cầu, một yếu tố cần thiết để đảm bảo cuộc sống lâu dài cho bản thân, cho gia đình.

nông thôn, cách mạng 4.0

Ông Nguyễn Văn Lâm – Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM 

Trao đổi về đào tạo nông nghiệp nông thôn trong giai đoạn mới, ông Nguyễn Văn Lâm – Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết: "Thứ nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn để làm nghề phi nông nghiệp, để chuyển đổi ngành nghề thì chúng ta đào tạo ở những nhóm ngành nào theo yêu cầu phát triển ở tại địa phương đó để chúng ta có chương trình đào tạo cho phù hợp đảm bảo sau khi học xong có kiến thức, vững tay nghề, giải quyết được việc làm, ổn định cuộc sống. Thứ 2 là dạy nghề cho lao động nông thôn thì chúng ta phải dạy ứng dụng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này trong nông nghiệp là ở lĩnh vực nào như trong nuôi trồng, cây giống, tăng năng suất lao động. Những sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đó phải đáp ứng được nhu cầu cuộc sống của xã hội".

Trước sự phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các đại biểu cho rằng ngành giáo dục nghề nghiệp Thành phố cần phải có sự chuyển biến mạnh mẽ ở các nội dung: mô hình, chương trình, phương thức đào tạo. Bên cạnh, giáo dục nghề nghiệp phải đem lại cho người học những kỹ năng và kiến thức cơ bản cần thiết để người lao động dễ chuyển đổi nghề nghiệp, có tư duy sáng tạo mang tính liên ngành, thích nghi với thách thức và yêu cầu công việc thay đổi liên tục trong thị trường sức lao động trong nước, khu vực và quốc tế, tránh nguy cơ bị mất việc làm khi thị trường sức lao động có sự tham gia của lực lượng lao động tự do dịch chuyển trong khối ASEAN.