Đô thị thông minh – tương lai của thành phố đáng sống

(VOH) - Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh đang là một ưu tiên hàng đầu được các cấp, các ngành thành phố tích cực triển khai nhằm thực hiện thành công các Chương trình đột phá, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X.

Đô thị thông minh là khái niệm được nhắc đến rất nhiều trong thời gian gần đây. Đây cũng là xu hướng chung mà nhiều quốc gia, thành phố lớn trên thế giới đang hướng đến. Vậy đô thị thông minh là gì?

Nghe nội dung bài viết

Thành phố thông minh tương lai. Ảnh: PC World

Chuyện thế giới

Theo một số định nghĩa, đô thị thông minh là đô thị có những thành phần cảm biến đồng bộ, kết nối và được xử lý tại hệ thống máy chủ nhằm mang đến đầy đủ những tính năng và tiện nghi phục vụ cho nhu cầu của con người.

Ngoài hệ thống giao thông, điện, nước,… thì hệ thống phát triển mạng truyền dẫn, kết nối thông tin đều phải theo xu hướng thông minh, giúp cho việc quản lý đô thị hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của người dân, đồng thời có thể giúp cho thành phố phát triển bền vững và tiết kiệm năng lượng. Nền tảng của một thành phố tương lai sẽ là mạng lưới thông tin được truyền tải đồng bộ, cho phép tất cả các dịch vụ quan trọng từ giao thông vận tải tới an ninh, giáo dục, y tế … được kết nối với nhau, trở nên thông minh và thân thiện với môi trường.

Để đạt được điều đó, hệ thống mạng truyền dẫn internet phải phát triển thành một mạng lưới rộng lớn kết nối mọi thứ, chứ không chỉ bó hẹp ở máy tính và các thiết bị di động truyền thống. Việc thành phố sử dụng mạng để lập kế hoạch, xây dựng và quản lý các hoạt động thường nhật, sẽ nâng cao đáng kể hiệu suất trong mọi khía cạnh của đời sống cộng đồng, nhất là nâng cao năng suất làm việc, khả năng truy cập vào các dịch vụ công.

Chuyện TPHCM

Kinh nghiệm từ các thành phố hiện đại trên thế giới cho thấy, TPHCM cần phải xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, đưa chính sách phát triển xã hội đến mọi công dân, doanh nghiệp. Cùng với đó là hệ thống quản lý thông minh trên mọi lĩnh vực.

Trước mắt, trong 5 năm tới, thành phố sẽ ưu tiên tập trung thực hiện đề án ở một số dịch vụ tiện ích cụ thể nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân như giao thông thông minh, y tế thông minh, giám sát môi trường thông minh,… từ đó góp phần hạn chế, giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân về kẹt xe, ngập nước, quá tải trong y tế hay ô nhiễm môi trường sống.

Trong các năm tiếp theo, tùy theo nhu cầu, thành phố sẽ xây dựng đô thị thông minh trên quy mô rộng hơn. Dự kiến đến năm 2025, đề án sẽ đạt được 80% mục tiêu đề ra, đó là: xây dựng chính quyền điện tử, tăng tính công khai, minh bạch của chính quyền, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; xây dựng trung tâm dữ liệu mở dùng chung cho xã hội và cung cấp các dịch vụ tiện ích cho người dân trong các lĩnh vực như: quy hoạch, giáo dục, y tế, giao thông,…

Lợi ích của đô thị thông minh được ông Trần Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM chỉ ra: "Trên nền tảng thông tin và ứng dụng khoa học công nghệ, chúng ta sẽ dự báo, phát hiện sớm, chẩn đoán được những điểm nghẽn và dự báo được xu thế phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Một đô thị được xem là thông minh thì tất cả những bài toán đó phải nắm được để có thể ra quyết định một cách thông minh".

Hiện nay đã có hơn 10 quốc gia có kinh nghiệm sẵn sàng hỗ trợ TPHCM khi xây dựng đô thị thông minh. Bên cạnh đó, ở lĩnh vực cực kỳ quan trọng là công nghệ thông tin, thành phố đã chọn tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) là đối tác chính để xây dựng nền tảng công nghệ của chính quyền điện tử, cũng như cung cấp các giải pháp công nghệ để phục vụ tiện ích cuộc sống cho cư dân thành phố.

Theo các chuyên gia, TPHCM được xem là đô thị lý tưởng để áp dụng mô hình này, vì có hệ thống các kết nối viễn thông hiện đại, băng thông rộng, trung tâm dữ liệu lớn có khả năng thích ứng với “điện toán đám mây” – cơ sở chính để xây dựng đô thị thông minh. Ông Đỗ Bá Dân – Giám đốc giải pháp công ty công nghệ Trí Nam nhận định: "Thành phố có chỉ số ICT Index – là chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT tốt nhất cả nước hiện nay. Thứ hai, thành phố có hệ thống mạng liên ngành, tất cả liên thông với nhau. Thứ ba, thành phố có những trung tâm đào tạo, phát triển con người rất tốt để những con người đó có thể vận hành hệ thống môi trường thông minh một cách tốt nhất".

Không hề dễ dàng

Tuy nhiên, thành phố thông minh không đơn thuần là áp dụng công nghệ cao vào công tác quản lý đô thị. Đây chỉ mới là điều kiện cần. Điều quan trọng nhất trong xây dựng thành phố thông minh là tìm giải pháp tận dụng hiệu quả phương tiện kỹ thuật, công nghệ thông tin trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh trật tự; sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên; nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp cho người dân, nhất là người hoàn cảnh khó khăn, dễ bị tổn thương trong quá trình đô thị hóa; nâng cao khả năng kết nối, thu nhận thông tin phản hồi đánh giá mức độ hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp đối với cơ quan hành chính, cơ quan quản lý nhà nước.

Song song đó, việc thực hiện mô hình không thể hoàn thành trong thời gian ngắn. Do vậy, đòi hỏi đội ngũ lãnh đạo qua các thời kỳ phải quyết tâm thống nhất kiên trì thực hiện mới đạt kết quả.

Ông Vũ Minh Trí – Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam – đơn vị hỗ trợ về công nghệ thông tin trong thực hiện đề án đô thị thông minh của TPHCM phân tích: "Việc xây dựng thành phố thông minh không phải là ngày một ngày hai mà là một công cuộc chinh phục rất lâu dài, có thể kéo dài 5, 10 năm. Chúng ta phải có lộ trình để thấy được là từ hiện trạng sẽ từng bước chuyển đổi để trở thành thành phố thông minh sau 5, 10 năm như thế nào.

Nếu bức tranh ở cuối đường không rõ ràng, quyết tâm của lãnh đạo không có và không thu phục được mọi người để cùng tham gia vào thành phố thông minh thì theo tôi đó chính là thách thức lớn nhất. Vượt qua thách thức đó, mọi khó khăn về công nghệ đều có thể giải quyết".

Ông Trần Vĩnh Tuyến – Phó Chủ tịch UBND TP cũng nhìn nhận, đề án có thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào ý chí chủ quan. Thực tế, đến nay việc xây dựng đô thị thông minh là lĩnh vực mới mẻ, không chỉ đối với riêng thành phố mà còn cả nước. Do đó, quá trình thực hiện khó tránh khỏi những vướng mắc, khó khăn.

Ông Tuyến nhấn mạnh: "Sẽ không có điểm dừng của việc thực hiện đề án này, bởi việc ứng dụng CNTT, ứng dụng khoa học công nghệ của thế giới vào phục vụ tiện ích của người dân sẽ có hai vấn đề. Một là công nghệ luôn thay đổi, hai là nhu cầu của người dân sẽ ngày càng cao hơn.

Do đó việc xây dựng đô thị thông minh phải liên tục phát triển. Tôi nghĩ nếu có sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, sự quyết tâm của lãnh đạo thành phố, cũng như sự chung sức chung lòng của nhân dân thành phố, chúng ta sẽ có đủ cơ sở niềm tin để thực hiện thắng lợi việc xây dựng đô thị thông minh".