Doanh nghiệp ‘than’ sinh viên ra trường còn thiếu nhiều kỹ năng

(VOH) - Đa số doanh nghiệp tham dự đều “than” sinh viên ra trường còn thiếu rất nhiều từ kiến thức chuyên môn, cho đến kỹ năng, thái độ, tác phong trong môi trường doanh nghiệp.

Sáng 16/08, tại hội thảo góp ý Dự thảo “Đề án thí điểm đào tạo, đào tạo lại cho người lao động đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức tại TPHCM, có hai luồng ý kiến khác nhau từ phía doanh nghiệp và cơ sở đào tạo.

Trong khi nhiều trường đào tạo cho rằng khái niệm “đào tạo lại” có thể khiến cho các trường cảm thấy “tự ái” thì doanh nghiệp lại cho rằng, trong cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, người lao động khi gia nhập vào doanh nghiệp cần phải đào tạo lại, đào tạo bổ sung, đào tạo nâng cao…..thì mới bắt kịp thời đại 4.0.

Doanh nghiệp ‘than’ sinh viên ra trường còn thiếu nhiều kỹ năng

Toàn cảnh hội thảo

Tại hội thảo, đa số doanh nghiệp tham dự đều “than” sinh viên ra trường còn thiếu rất nhiều từ kiến thức chuyên môn, cho đến kỹ năng, thái độ, tác phong trong môi trường doanh nghiệp. Đó là chưa kể các kỹ năng cần thiết đáp ứng CMCN 4.0 trong doanh nghiệp.

Bà Lý Thị Phương Trang – Tổng Giám đốc Công ty Daikin Việt Nam bày tỏ, nếu Nhà nước có hướng đào tạo lại theo tinh thần 4.0 từ Đề án thí điểm này, các doanh nghiệp rất hoan nghênh, thay vì doanh nghiệp phải đào tạo lại cho người lao động.

“Daikin là mặt hàng về điều hòa. Anh em kỹ thuật viên họ chỉ sửa chữa thiên về cơ khí, điện thuần túy. Nhưng, khi vào CMCN 4.0, điều khiển cũng thực hiện trên smartphone, đòi hỏi các kỹ thuật viên trước đây chỉ thiên về cơ khí, điện cũng phải biết thêm về những công nghệ này, để khi sửa chữa hoặc chẩn đoán bệnh có thể làm được nhanh” - bà Lý Thị Phương Trang phân tích.

Bà Võ Thị Phương Lan, Trưởng Ban đào tạo Hiệp hội Logicstic VN chia sẻ, mọi vận hành của DN đều tích hợp trên điện thoại thông minh

Bà Võ Thị Phương Lan, Trưởng Ban đào tạo Hiệp hội Logicstic VN chia sẻ, mọi vận hành của DN đều tích hợp trên điện thoại thông minh

Là người trực tiếp tham gia và thẩm định chương trình đào tạo về logicstic ở các trường, bà Võ Thị Phương Lan, Trưởng ban đào tạo Hiệp hội Logicstic VN cho rằng, khi doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thì phải có nguồn nhân lực để vận hành, không chỉ dừng lại ở bộ phận kỹ thuật mà cả khối văn phòng.

Hiện tại, toàn bộ hệ thống vận hành của công ty đều tích hợp trên ứng dụng phần mềm bằng tiếng anh điện thoại thông minh. Vì vậy, nhà trường cần khảo sát doanh nghiệp hiện đang sử dụng công nghệ gì trong sản xuất kinh doanh để đưa vào đào tạo cho người học.

“Tiếng Anh thì ít ra nhân viên phải đọc hiểu được để vận hành. Hầu như bây giờ doanh nghiệp phải đào tạo liên tục, chương trình phải đào tạo liên tục. Vì vậy, nhà trường cần khảo sát hiện nay doanh nghiệp đang sử dụng những app gì, ứng dụng công nghệ 4.0 sâu rộng như thế nào. Khi đó, nhà trường đưa ra những môn kỹ năng phù hợp cho các em, để khi ra trường các em có thể làm việc, tiếp cận doanh nghiệp một cách nhanh nhất” - bà Võ Thị Phương Lan ý kiến.

Ông Trương Tấn Lộc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển nguồn nhân lực Tân Cảng chia sẻ

Ông Trương Tấn Lộc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển nguồn nhân lực Tân Cảng, 

Ông Trương Tấn Lộc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển nguồn nhân lực Tân Cảng chia sẻ, trong đào tạo lại ở doanh nghiệp này có ba khía cạnh: đào tạo lại để đáp ứng nhiệm vụ, thứ hai là đào tạo nâng cao, thứ ba là đào tạo đa kỹ năng. Ví dụ, trước đây anh chỉ cần một, hai kỹ năng là làm việc được. Nhưng nay, anh phải cần nhiều hơn hai kỹ năng, có thể là ba, bốn, năm kỹ năng.

Ông Lộc dẫn chứng: “Trước đây anh lái cần cẩu ở cảng, thì chỉ cần kỹ năng vận hành cần cẩu ở cảng thôi. Nhưng mà bây giờ yêu cầu mới là điều khiển cần cẩu từ xa, tức là không ngồi trên phương tiện cẩu nữa mà ngồi trong một phòng máy lạnh, một lúc vận hành 4, 5 cái cẩu.

Như vậy, ngoài kỹ năng vận hành cẩu ra, những kỹ năng về xác định vị trí hàng hóa, vị trí container, vận cẩu an toàn….thì giờ phải biết thêm kỹ năng sử dụng thiết bị giống như là thiết bị máy tính, như vậy một người phải làm việc nhiều việc, đòi hỏi phải có kỹ năng nhiều hơn”

Trong khi đó, về phía nhà trường, Tiến sĩ Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn bày tỏ sự băn khoăn với khái niệm “đào tạo lại” đề cập trong Đề án.

Tiến sĩ Lâm cho rằng: “Bản thân tôi có khoảng 10 năm làm hiệu trưởng tôi thấy có điều gì đó rất nặng về tâm lý. Là hiệu trưởng một trường mà nghe sinh viên mình phải đào tạo lại là tôi thấy buồn lắm. Thiết nghĩ, mình có thể dùng từ Đề án thí điểm đào tạo, đào tạo chuyển đổi hay từ nào khác. Chúng ta sợ nhất là học lại, thi lại, kiểm tra lại, từ “đào tạo lại” nghe kinh khủng lắm, dù ai cũng biết đó là đào tạo lại.”

Trong khi đó, là cơ sở đào tạo trong doanh nghiệp, Thạc sĩ Phan Tiềm – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng THACO cũng bày tỏ cùng quan điểm này. 

“Bao nhiêu năm làm công tác đào tạo, từ “đào tạo lại” giống như chạm vào tự ái của mình. Không có trường nào đào tạo sinh viên ra mà thị trường chấp nhận liền đâu. Bởi vì thực tiễn lúc nào cũng đi trước.

Thứ hai, ngay cả bản thân tôi là cầu nối giữa các trường và doanh nghiệp, lúc nào doanh nghiệp cần thì trường đem sinh viên, họ nhận và hỗ trợ. Còn lúc nào họ không cần thì trường đem sinh viên đến họ cũng không hỗ trợ đâu” - Thạc sĩ Phan Tiềm nói.

Theo Dự thảo Đề án thí điểm đào tạo, đào tạo lại cho người lao động đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, đặt ra mục tiêu nâng cao chất lượng việc làm cho ít nhất 20 ngành, nghề đáp ứng yêu cầu CMCN 4.0 ở trình độ cao đẳng và trung cấp. Số lượng người học được đào tạo ít nhất ở mỗi ngành, nghề/trình độ là 120 người.

Tổng số người học tham gia đào tạo thí điểm khoảng 4.800 người. Song song đó, Đề án gắn với chuyển đổi việc làm cho người lao động là đối tượng chịu tác động CMCN 4.0 tại khoảng 100 doanh nghiệp cho ít nhất 20.000 lượt người lao động với thời gian đào tạo, bồi dưỡng dưới 1 năm.

Việt Nam đang ở giai đoạn dân số vàng, độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ hơn 76% - Việt Nam đang ở giai đoạn dân số vàng với số người trong độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ hơn 76%. Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng cho thấy nguồn nhân lực nước ta còn tồn tại nhiều thách ...
Trường Đại học An Giang là thành viên của ĐHQG TPHCM -  Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc quyết định chuyển Trường Đại học An Giang thuộc UBND tỉnh An Giang là trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.