Không có phép thần để học ít chơi nhiều mà vẫn giỏi !

(VOH) - Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới đang được đưa ra xin ý kiến nhân dân chỉ là bộ khung của chương trình giáo dục tổng thể.

VOH trao đổi với Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới về tính khả thi của chương trình này.

Không giải quyết tất cả bất cập trong giáo dục

VOH: Thưa Giáo sư, nội dung mới sẽ giải quyết những bất cập gì của giáo dục Việt Nam ?

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Chương trình Giáo dục phổ thông mới không thể giải quyết được hết tồn tại của giáo dục hiện nay. Dự thảo chỉ là bộ khung của chương trình giáo dục tổng thể.

Tuy nhiên khi xây dựng chương trình, với định hướng phát triển năng lực của học sinh, chúng tôi cũng phân tích kỹ hạn chế của giáo dục phổ thông Việt Nam cũng như mong muốn của nhân dân để đổi mới chương trình.

Cụ thể với chương trình này thì tính thực hành sẽ được nhấn rất mạnh. Bởi vì muốn phát triển năng lực của học sinh thì nội dung, phương pháp dạy học và cách thức tổ chức trong nhà trường cũng phải đổi mới. 

Mời quý vị nghe toàn bộ phỏng vấn hoặc đọc tiếp nội dung chi tiết. 

Thứ hai là có hoạt động mà chúng tôi gọi là trải nghiệm sáng tạo. Nó được thực hiện từ lớp 1 tới lớp 12 như hoạt động bắt buộc dạng tích hợp. Còn trong mỗi môn học, học sinh đều có hoạt động để tìm hiểu và vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tế.

Theo số liệu của tổ chức OECD, Ngân Hàng Thế Giới thì số giờ học của học sinh Việt Nam ít hơn nhiều so với học sinh các nước và trong thời gian ngắn chúng ta sẽ khó khắc phục được điều này.

Trong khi ở các nước, cả 3 cấp học sinh thường học 2 buổi/ngày trong khi ở ta chỉ có phân nửa học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày. Thế thì, cùng một lượng kiến thức như nhau, cùng một yêu cầu rèn luyện kỹ năng như nhau, chắc chắn học 1 buổi/ngày sẽ nhàn hạ hơn nhiều.

Cũng có ý kiến cho rằng theo dự thảo thì số giờ học của học sinh là quá nhiều. Tuy nhiên theo thống kê của OECD thì số giờ học của học sinh ở Italia vào khoảng từ 8.300-8.400 giờ ở cả 3 cấp học. Ở Australia, Israel học sinh cũng học vào khoảng 8.000 giờ trong khi tổng số giờ học của học sinh Việt Nam khoảng 7.000 giờ.

Chúng ta phải xem nguyên nhân quá tải thật sự ở đâu nhưng xin khẳng định không thể có một phép thần nào giúp học sinh chúng ta học ít chơi nhiều mà vẫn trở thành thiên tài, vẫn đuổi kịp thiên hạ !

Cần được đổi mới cả thầy-trò

VOH: Phải chăng quá tải là do cách học, cách dạy. Với đổi mới được dự thảo đưa ra, vấn đề này sẽ được giải quyết thế nào, thưa giáo sư ?

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Có nhiều nguyên nhân gây nên quá tải trong giáo dục. Tuy nhiên với dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, chúng tôi đưa ra yêu cầu phải đổi mới nội dung dạy học, tức là không thiên về lý thuyết nhiều.

Thứ hai là phải đổi mới phương pháp dạy học. Nếu giáo viên chỉ dạy từng chữ trong sách giáo khoa thì tất nhiên là quá tải. Còn nếu giáo viên khơi dậy tính tích cực của học sinh để tự học, tự tìm lời giải thì việc học sẽ vui, thú vị hơn nhiều.

Các em cũng phải đổi mới cách học. Nếu chỉ khoanh tay ngồi nghe thầy cô áp đặt kiến thức thì chắc hẳn sẽ thấy nặng nề. Còn nếu được giao nhiệm vụ nghiên cứu thực tế, tự tìm kiếm tài liệu trong thư viện/Internet rồi tổng kết và trao đổi thì sẽ hào hứng hơn và sẽ giảm tải.

Ở đây chúng tôi cũng đưa ra quy định thay đổi cách đánh giá. Nhiều học sinh bị áp lực hơn chính là do cách đánh giá. Nếu chỉ học thuộc bài, luyện kỹ năng giải bài tập để phục vụ kỳ thi thì sẽ thấy áp lực rất nặng nề. Bây giờ đổi mới cách thi cử, đúng là đánh giá năng lực học sinh thì mọi chuyện sẽ khác.

Đổi mới cách đánh giá, giao nhiệm vụ cho thầy cô và nhà trường. Nếu học sinh tích lũy đủ điểm, đủ kiến thức theo yêu cầu của Bộ Giáo dục-Đào tạo thì nhà trường cấp bằng tốt nghiệp THPT. Chắc chắn khi đó cách học sẽ khác, áp lực sẽ giảm đi.

Còn những yếu tố khác khiến quá tải là áp lực từ xã hội, phụ huynh, yêu cầu bằng cấp cao để tìm kiếm việc làm…thì một mình chương trình này không giải quyết được. 

Ảnh minh họa: PNVN

Địa phương tự chủ động

VOH: Thưa giáo sư, những địa phương khác nhau có điều kiện thuận lợi và khó khăn khác nhau. Vậy khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, cần điều chỉnh như thế nào để phù hợp với đặc thù của mỗi địa phương ?

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Đây là một chương trình mở, đảm bảo những nội dung học tập cốt lõi thống nhất cho toàn quốc. Bên cạnh đó cũng giao trách nhiệm cho địa phương, cơ sở giáo dục tổ chức dạy học phù hợp với điều kiện địa phương của mình, cũng như bổ sung nội dung cần thiết.

Về sách giáo khoa thì theo Nghị quyết 88 của Quốc Hội, chúng ta sẽ thực hiện 1 chương trình và nhiều sách giáo khoa. Tôi tin với quyết định và chủ trương này thì sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa cho nhiều địa phương cụ thể, nhiều đối tượng cụ thể khác nhau.

Ở chương trình này chúng tôi không quy định cụ thể số tiết ở mỗi môn từng tuần, như vậy chẳng khác nào áp đặt một thời khóa biểu cho cả nước. Ở đây chỉ quy định số tiết cho từng năm học, còn việc bố trí như thế nào, thời khóa biểu như thế nào thì do cơ sở tự quyết định.

Triển khai cuốn chiếu từng cấp học

VOH: Đổi mới giáo dục là cấp thiết tuy nhiên phải có sự chuẩn bị. Liệu triển khai áp dụng trong năm học 2018-2019 có quá sớm ?

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Theo Nghị quyết 88 của Quốc Hội, chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể sẽ được áp dụng ngay từ đầu năm học 2018-2019.

Về phía các nhà chuyên môn chúng tôi đảm bảo thực hiện đúng tiến độ với chất lượng tốt nhất. Thế nhưng chúng ta sẽ triển khai trước nhất ở các lớp đầu cấp. Còn những lớp khác sẽ thực hiện theo thời điểm tiếp theo.

Chất lượng sẽ được đặt lên hàng đầu. Nếu chúng ta cảm thấy chưa đảm bảo, phải có sự điều chỉnh nhất định nhưng tôi thấy có thể đảm bảo được.

Hiện nay có 2 vấn đề lớn là giáo viên và cơ sở vật chất phải đảm bảo thì thực hiện mới thành công.

Về giáo viên thì từ nhiều năm nay Bộ Giáo dục - Đào tạo đã đặt ra yêu cầu phải đổi mới nội dung, phương thức đào tạo ở các trường sư phạm. Đồng thời cũng có một chương trình đổi mới phương thức bồi dưỡng giáo viên đang tiến hành.

Vấn đề thứ hai là cơ sở vật chất, đây là thách thức lớn hơn. Trách nhiệm này thuộc về chính quyền địa phương. Chúng tôi đã kiến nghị chính phủ yêu cầu các địa phương có sự chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất nhưng trong điều kiện khó khăn hiện nay thì các địa phương cần tập trung cơ sở vật chất đầu tư cho các lớp đầu cấp, triển khai chương trình mới.

VOH: Cảm ơn Giáo sư !