Nghiên cứu mới: Trong đại dịch, trẻ em học “thụt lùi” khoảng 35% so với khi đi học bình thường

(VOH) - CNN trích dẫn một bài báo mới đây cho biết, có bằng chứng rằng, trẻ em trong độ tuổi đi học trên toàn cầu có “bước thụt lùi” đáng kể khi học tập trong đại dịch Covid-19.

Theo một bài báo đăng trên tạp chí Nature Human Behavior, học sinh “đã mất khoảng 35% giá trị học tập của một năm học bình thường” khi việc học trực tiếp bị dừng lại trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh Covid-19.

Việc đóng cửa trường học nhằm làm chậm sự lây lan của Covid-19, nhưng tình trạng “thiếu học tập” đã xuất hiện và tồn tại theo thời gian - Bài báo lấy dữ liệu từ 15 quốc gia khác nhau.

“Tiến độ học tập của học sinh chậm lại đáng kể trong thời gian xảy ra đại dịch. Vì vậy, trung bình, trẻ em đã mất khoảng 1/3 những gì chúng thường học được trong một năm học bình thường và những thiếu sót trong học tập này phát sinh khá sớm trong đại dịch” - Bastian Betthäuser, tác giả của bài báo và nhà nghiên cứu tại Đại học California cho biết. 

Ông nói: “Trẻ em vẫn chưa lấy lại được kiến ​​thức mà chúng đã đánh mất khi bắt đầu xảy ra đại dịch".

Sự bất bình đẳng về giáo dục giữa trẻ em có hoàn cảnh kinh tế xã hội khác nhau gia tăng trong thời kỳ đại dịch. Vì vậy, cuộc khủng hoảng học tập là một cuộc khủng hoảng bình đẳng và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng nhiều bởi việc đóng cửa trường học.

covid-19, học trực tuyến
Trẻ em học thụt lùi đáng kể, đặc biệt với môn toán - trong thời gian xảy ra dịch Covid-19 (Ảnh: E2)

Các nhà nghiên cứu đã xem xét và phân tích dữ liệu từ 42 nghiên cứu về tiến độ học tập trong đại dịch ở 15 quốc gia: Úc, Bỉ, Brazil, Colombia, Đan Mạch, Đức, Ý, Mexico, Hà Lan, Nam Phi, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ. 

Betthäuser cho biết: “Chúng tôi đã xem xét một cách có hệ thống tất cả các nghiên cứu về tiến độ học tập của học sinh trong đại dịch Covid-19. Và điều quan trọng cần lưu ý là hầu hết các nghiên cứu hiện có đến từ các quốc gia có thu nhập cao và trung bình, một số nghiên cứu từ các quốc gia có thu nhập thấp”.

Dữ liệu cho thấy, tình trạng kém học tập trong thời gian trường học đóng cửa và phong tỏa trong những ngày đầu của đại dịch Covid-19 có thể “đặc biệt rõ ràng” đối với trẻ em có hoàn cảnh kinh tế xã hội thấp và tiến độ học môn toán chậm hơn nhiều so với môn đọc.

Dữ liệu cụ thể từ Hoa Kỳ và Vương quốc Anh “khá giống nhau” - Betthäuser cho biết, và tính trung bình là hơn 1/3 tiến độ học tập bị mất trong một năm học.

Susanna Loeb, giáo sư Đại học Stanford cho biết, mặc dù dữ liệu về mất khả năng học tập trong đại dịch không phải là mới, nhưng bài báo mới cho thấy: những phát hiện này nhất quán như thế nào.

Loeb viết: “Tính trung bình, kiến thức học sinh kém xa so với mức mà chúng có thể đạt được nếu không có đại dịch và việc học tập bị giảm sút này còn lớn hơn nhiều đối với những nhóm học sinh vốn đã gặp khó khăn ở trường nhiều hơn”.

Vào tháng 10, kết quả từ các kỳ thi Đánh giá Tiến bộ Giáo dục Quốc gia của Hoa Kỳ năm 2022, cho thấy, học sinh lớp 4 và lớp 8 bị tụt lại phía sau về môn đọc và có sự sụt giảm lớn nhất từ ​​trước đến nay về môn toán ở Hoa Kỳ. 

Đây là đánh giá quốc gia đầu tiên về thành tích của học sinh trong ba năm kể từ khi Covid-19 xuất hiện và cho thấy tác động tiêu cực của đại dịch đối với việc học.

Kết quả từ một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew được công bố vào tháng 10 cho thấy, khoảng 61% phụ huynh của học sinh nói rằng năm đầu tiên xảy ra đại dịch có ảnh hưởng tiêu cực đến việc học của con cái họ; 7% nói rằng có tác động tích cực và 28% nói rằng nó không có tác động tích cực hay tiêu cực.

Trong số những người nói rằng đại dịch có ảnh hưởng tiêu cực đến việc học hành của con cái họ, 44% cho rằng điều đó vẫn đang xảy ra, trong khi 56% nói rằng tác động chỉ là tạm thời. 

Loeb nói: “Tôi thực sự tin rằng các bậc cha mẹ nên lo lắng về việc con cái họ bị bỏ lỡ việc học do đại dịch. “Chúng tôi có rất nhiều bằng chứng cho thấy, những gì học sinh học được ở trường góp phần đáng kể vào thành công sau này của các em – tốt nghiệp trung học, vào đại học, thậm chí cả cơ hội thị trường lao động và hạnh phúc lâu dài của các em". 

Theo Loeb, cha mẹ có thể giúp đỡ bằng cách khuyến khích con cái họ hòa nhập lại với các bạn cùng lớp và giáo viên và có thói quen học tập tích cực.