Sỉ số học sinh cao ảnh hưởng đến chất lượng
Tại buổi làm việc, đoàn giám sát cho rằng sỉ số học sinh/lớp của thành phố còn khá cao. Điều này ảnh hưởng phần nào đến chất lượng giáo dục, giáo viên dạy lớp từ 20-30 em sẽ khác so với lớp học có 40 hay 50 học sinh.
Theo thông tin của Sở GD-ĐT, sỉ số trung bình của học sinh tiểu học hiên nay là 41 học sinh/lớp, trong đó nhiều trường sỉ số tăng đến 50 em, cao hơn nhiều so với quy định 35 học sinh/lớp trong điều lệ trường tiểu học. Mặc dù, hàng năm thành phố xây mới từ 1.500-2.000 phòng học nhưng vẫn chỉ dừng ở việc đáp ứng được nhu cầu chỗ học cho học sinh. Trung bình mỗi năm, số học sinh tăng thêm từ 60.000 đên 85.000 em. Thành phố đang phấn đấu thực hiện chỉ tiêu đến năm 2020 sẽ đạt 300 phòng học/10.000 dân, lúc này sẽ kéo giảm tỷ lệ học sinh /lớp xuống khoảng 33 em.
Để tiếp tục đổi mới phát triển giáo dục, ngân sách thành phố đầu tư cho giáo dục vẫn tiếp tục được ưu tiên. Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, thông tin: "Ngân sách 2017 cực kỳ khó khăn nhưng quan điểm của TPHCM trước khó khăn phải vượt lên, riêng về chủ trương của Thành ủy, Ủy ban chi cho an sinh xã hội là không giảm nên năm nay, vẫn quyết định không giảm ngân sách giáo dục trình ra HĐND".
Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu báo cáo tại hội nghị.
Khó khăn trong quản lý trường ngoài công lập
Những năm qua, đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục, thành phố đã phát triển mạnh các trường ngoài công lập. Thống kê năm học 2015-2016, tỷ lệ các trường ngoài công lập khối mầm non chiếm hơn 57%, khối tiểu học gần 5%, khối THCS hơn 2%, khối THPT gần 45%. Công tác xã hội hoá giáo dục còn thể hiện rõ qua mô hình các trường tiên tiến, hiện đại theo xu hướng hội nhập quốc tế đang được triển khai và mở rộng trên địa bàn thành phố.
Với số lượng học sinh và quy mô trường lớp khá lớn, nhiều đầu mối, ngành giáo dục thành phố cho rằng một số quy định chung như giới hạn cán bộ quản lý ngành, số phòng ban chuyên môn, đã gây một số khó khăn trong công tác quản lý.
Cụ thể, thành phố có nhiều trường ngoài công lập, có yếu tố nước ngoài, nhiều đơn vị liên kết đào tạo quốc tế, thu hút số lượng lớn học sinh sinh viên từ các tỉnh đến học. Tuy nhiên, Sở GD-ĐT không thể tổ chức được Phòng Ngoài công lập để quản lý do vướng quy định cơ quan quản lý giáo dục không được quá 10 phòng.
"Số đối tượng quản lý của ngành giáo dục TP có đặc thù là rất nhiều. Số học sinh từ mẫu giáo đến phổ thông là hơn 1,5 triệu. Có rất nhiều trường ngoài công lập, nhiều trường có yếu tố nước ngoài nên quản lý rất khó khăn. Quy định TPHCM cũng như các tỉnh khác, số phòng không được quá 10 phòng, không quá 3 Phó giám đốc nên rất khó khăn cho việc quản lý”, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT nêu thực tế.
Bà Ngô Thị Minh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh thiếu niên- Nhi đồng của Quốc hội tại buổi làm việc
Sắp xếp lại mạng lưới trường lớp
Bà Ngô Thị Minh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng ngành GD-ĐT TPHCM cần tiếp tục suy nghĩ, trăn trở, có tiếng nói cùng với cả nước làm sao để giáo dục có sự đổi thay, kéo giảm khoảng cách giữa thực tế và nhu cầu.
"Các đồng chí tiếp tục tư duy sâu, phối hợp với các chuyên gia, các nhà nghiên cứu cùng với chúng tôi tiếp tục có những trao đổi, hội thảo để quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp, vừa gắn với quy mô dân số, với quy hoạch và dự báo nguồn nhân lực trong từng giai đoạn. Xu hướng xã hội hoá làm sao có nhiều trường ngoài công lập chất lượng cao ở các cấp học bậc học và tiếp cận trên cơ sở bình đẳng, đảm bảo quyền người học", bà Minh đề nghị.
Tại buổi làm việc, Sở GD-ĐT còn đề cập đến vấn đề phân luồng học sinh, tự chủ trong trường học, thu nhập giáo viên, cũng như mong muốn Bộ GD-ĐT sớm ban hành khung chương trình. Từ đó, nghiên cứu triển khai bộ sách giáo khoa phù hợp với đặc thù thành phố.