Chờ...

Thi đánh giá năng lực ngoại ngữ: Nhiều dự kiến thay đổi đáng chú ý

VOH - Một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo là tăng cường tự chủ và chịu trách nhiệm giải trình của các đơn vị tổ chức thi hoặc liên kết tổ chức thi.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo thông tư mới nhằm thay thế Thông tư 23/2017/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 24/2021/TT-BGDĐT ngày 8/9/2021 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Với hàng loạt thay đổi đáng chú ý trong quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Theo dự thảo, các đơn vị tổ chức thi sẽ được trao quyền tự chủ cao hơn nhưng phải chịu trách nhiệm giải trình rõ ràng. Thay vì quy định chi tiết từng bước tổ chức thi như trước, Bộ GD-ĐT chỉ đặt ra các yêu cầu và tiêu chí tối thiểu. Các cơ sở giáo dục sẽ tự xây dựng quy trình tổ chức, công khai thông tin và gửi báo cáo về Bộ để phục vụ công tác thanh tra, giám sát. Đây được xem là bước chuyển từ quản lý chặt chẽ về quy trình sang giám sát kết quả và chất lượng.

voh-thumb
Một trong những điểm mới của dự thảo thông tư đó là tăng cường tự chủ và chịu trách nhiệm giải trình của các đơn vị tổ chức thi hoặc liên kết tổ chức thi - ảnh TTO

Đáng chú ý, để đảm bảo tính minh bạch và công bằng, dự thảo bổ sung yêu cầu các đơn vị tổ chức thi phải chụp ảnh thí sinh trong quá trình làm bài thi. Hình ảnh này sẽ được lưu trữ trên hệ thống để phục vụ tra cứu và xác minh chứng chỉ, nhằm chống thi hộ, thi thay – vấn đề từng gây bức xúc trong dư luận. Đồng thời, các đơn vị được phép liên kết với nhau để mở rộng địa điểm tổ chức thi, nhưng phải đảm bảo tuân thủ đầy đủ quy định của Bộ.

Một điểm mới khác là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác tổ chức thi. Dự thảo nhấn mạnh việc xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, kiểm soát mức độ trùng lặp giữa các đợt thi và đảm bảo chất lượng đề thi thông qua các giải pháp công nghệ.

Theo các chuyên gia, những thay đổi này không chỉ tăng cường tính công bằng, minh bạch mà còn giúp nâng cao chất lượng tổ chức thi và tạo thuận lợi cho thí sinh. Tuy nhiên, việc thực hiện các giải pháp mới đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ từ các đơn vị liên quan, cũng như hạ tầng công nghệ đủ mạnh để đáp ứng nhu cầu triển khai trên diện rộng.

Bộ GD-ĐT khẳng định, dự thảo sẽ tiếp tục được hoàn thiện dựa trên ý kiến góp ý của các tổ chức và cá nhân trước khi chính thức ban hành trong thời gian tới.