Tin tặc và những lần tấn công mạng trên thế giới

(VOH) - Những vụ tấn công của tin tặc nhằm vào các sân bay thường với hình thức gây nhiễu loạn thông tin, chiếm quyền điều khiển khiến khách hàng và các hãng hàng không rơi vào tình trạng hỗn loạn. Mục đích chính của hành động này thường nhằm tạo tiếng vang và khai thác các dữ liệu riêng tư của khách hàng.

Từ Tây sang Đông, không ít lần, thế giới phải chứng kiến việc bị hacker tấn công hệ thống máy tính của các sân bay nhằm chiếm quyền điều khiển thông tin, gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng.

Sân bay Ba Lan bị tấn công

Tháng 6/2015, tin tặc tấn công hệ thống máy tính ở sân bay Chopin, Ba Lan khiến hơn 1.400 hành khách phải trễ chuyến.

Trong cuộc tấn công này, các máy tính của bộ phận mặt đất dùng để lên kế hoạch bay bị chiếm quyền khiến 10 chuyến bay buộc phải hủy và hơn 10 chuyến khác bị trễ. Thời điểm đó, độ an toàn của các chuyến bay liên tục bị đe dọa vì hacker chiếm quyền sử dụng máy tính.

Sân bay Chopin, Ba Lan - Ảnh: PolishToday

Tháng 8/2015: Sân bay Ai Cập gặp sự cố

Trang web của sân bay Cairo, Ai Cập cũng từng là nạn nhân của các cuộc tấn công mạng. Một nhóm hacker bí ẩn đã ghé thăm hệ thống sân bay này, thay đổi giao diện, đồng thời đưa ra những thông điệp thù hằn với nội dung liên quan tới vụ thảm sát Rabaa năm 2013.

Phải mất hơn 8 tiếng, đội ngũ an ninh mạng của sân bay mới lấy lại được quyền kiểm soát.

Sân bay Ukraine bị tấn công ồ ạt

Gần đây nhất, ngày 18/1/2016, người phát ngôn quân đội Ukraine cho biết sân bay Boryspil lớn nhất nước này phải hứng chịu một cuộc tấn công mạng ồ ạt. Tuy nhiên, do được phát hiện sớm nên không gây nhiều thiệt hại.

Qua điều tra,, một mã độc đã được tìm thấy trong hệ thống máy tính của sân bay Boryspil. Theo The Independent, mỗi năm sân bay này có đến 17 triệu lượt khách và việc hệ thống máy tính bị tấn công có thể khiến mọi chuyện hỗn loạn, vượt khỏi tầm kiểm soát.

Website sân bay Nhật Bản tê liệt vì hacker phản đối giết cá heo

Cái tên Anonymous không phải quá xa lạ đối với những người quan tâm tới vấn đề an ninh mạng. Một trong số nạn nhân của nhóm hacker này thời gian gần đây là sân bay Narita, khi website của họ bị tê liệt ngày 25/1 vừa qua.

Vụ tấn công DDoS của Anonymous đã làm tê liệt trang web của sân bay này. Theo Japan Times, một trong số những nguyên nhân khiến nhóm hacker nổi tiếng nhất thế giới này đụng tới sân bay Narita là nhằm phản đối hoạt động săn cá heo truyền thống của Nhật Bản.

Tấn công DDoS là phương pháp dùng thủ thuật để gởi liên tục hàng triệu gói dữ liệu từ các máy tính bị chiếm quyền điều khiển tập trung vào một trang web/ máy chủ, gây ra tình trạng tê liệt do nghẽn mạch.

** Theo Diplomat vào tháng 7/2015, khi đang tiến hành cuộc điều trần vụ tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc, website của Tòa Trọng tài Thường trực tại La Haye (Hà Lan) đã bất ngờ bị đánh sập. Dựa trên phân tích phần mềm và cơ sở hạ tầng, các chuyên gia của công ty an ninh ThreatConnect (Mỹ) cho rằng trang web Tòa Trọng tài đã bị nhiễm phần mềm độc hại có nguồn gốc từ Trung Quốc.