Kỳ 2: Tọa đàm Nhà giáo kể chuyện đi chống dịch

(VOH) - Ở kỳ 1 Tọa đàm “Nhà giáo kể chuyện đi chống dịch”, những nhà giáo, cán bộ trẻ chia sẻ những công việc thầm lặng góp sức trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa qua cùng Thành phố.

Từ nhiệm vụ tác chiến “cuốn chiếu” dọn dẹp Ký túc xá Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh để phục vụ cho Khu cách ly tập trung, từ việc song song triển khai hàng loạt những hoạt động hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu, hỗ trợ cho F0 tại Khu cách ly ở Ký túc xá cho đến chăm lo đến từng cán bộ giảng viên, sinh viên của đơn vị; hay những công việc lặng lẽ thu thập, tiếp nhận thông tin cần hỗ trợ của người dân đến các sở, ban, ngành có liên quan để kịp thời hỗ trợ người dân, những điều trải qua trong những đợt dịch vừa rồi, đã trui rèn thêm cho những người thầy tinh thần xông pha, sự cống hiến phục vụ con người, phục vụ cộng đồng, để ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay càng thêm ý nghĩa. “Nếu làm được gì - chúng tôi sẵn sàng không ngại hiểm nguy!” – đó không chỉ là lời hứa, đó chính là sự thật hiển nhiên đang tiếp diễn trong bối cảnh hiện nay, khi họ vẫn tiếp tục vừa đảm nhận công tác chuyên môn, vừa xông xáo các hoạt động hỗ trợ chăm lo tiếp cho đội ngũ nhà giáo, cho sinh viên và cho cả cộng đồng.

Tọa đàm Nhà giáo kể chuyện đi chống dịch - Kỳ 2: “Nếu làm được gì - chúng tôi sẵn sàng không ngại hiểm nguy!”
Tọa đàm Nhà giáo kể chuyện đi chống dịch - Kỳ 2: “Nếu làm được gì - chúng tôi sẵn sàng không ngại hiểm nguy!”

Kỳ 2: “Nếu làm được gì - chúng tôi sẵn sàng không ngại hiểm nguy!”

*VOH: Thưa các vị khách mời! Ngày Nhà giáo VN 20/11 năm nay, diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, nhất là với những người công tác trong ngành giáo dục tham gia tình nguyện phòng chống dịch Covid-19 vừa qua. Khi nhìn lại những khoảnh khắc chưa từng có này trong thời gian vừa qua, điều gì gây xúc động đối với các anh chị?

Thạc sĩ Phùng Quán: Thật ra để nói về cảm xúc hay điều gì đặc biệt nhất, tôi nghĩ rất nhiều, mỗi giai đoạn có những cảm xúc khác nhau. Điều gây cho tôi nhiều cảm xúc nhất chính là sự mất mát của người thân của nhiều bạn bè của đồng nghiệp chúng tôi. Có những người mới còn hôm trước, hôm sau đã không còn thấy mặt. Giai đoạn đó là giai đoạn khủng khiếp nhất mà mình trải qua. Chính vì điều đó, nếu như làm được gì, chúng tôi sẵn sàng làm, không ngại hiểm nguy, không ngại gian khó. Đặc biệt là đối với đội ngũ sinh viên, giảng viên của Đại học Quốc gia TPHCM, đồng thời đối với người dân, nếu mình làm được gì mình sẽ sẵn sàng làm.

*VOH: Cám ơn Thạc sĩ Phùng Quán. Còn đối với Thạc sĩ Trường An, mời chị chia sẻ?

Thạc sĩ Trường An: Tinh thần, sức trẻ tình nguyện thì lúc nào cũng sẵn trong người, khi cần thì chúng tôi luôn sẵn sàng có mặt. Nhưng có lẽ, đây là đợt tình nguyện đầy ký ức đối với tôi, buồn vui đều có khi mọi người cùng trải qua đại dịch này. Nhưng nó sẽ là ấn tượng quá lớn đối với bản thân, khi tôi sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, lần đầu tiên tôi thấy Sài Gòn bị thương đến như vậy. Những lô cốt chặn ví như những vết thương chằng chịt lên Thành phố. Tôi cũng thấy được những nỗ lực của toàn thể, không chỉ mỗi cá nhân, để làm sao đưa Thành phố bình thường trở lại. Đó cũng là áp lực lớn đối với những người đang ở tuyến đầu.

*VOH: Đại diện cho tiếng nói của cán bộ trẻ Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, xin mời chị Diệu Hương?

Chị Diệu Hương: Như hai vị khách mời trước vừa chia sẻ, đây cũng là những cảm xúc rất trải lòng trong chiến dịch dài này. Với góc nhìn trẻ, mình mong muốn những điều tích cực trong giai đoạn sắp tới. Trong mùa dịch, tuy rất khó khăn, nhưng mà mọi người lại rất đồng lòng. Dù mọi người không sát bên nhau, nhưng bằng tiếng nói, cách thức ngôn ngữ riêng của mình, mọi người lại tiến gần lại với nhau hơn và cùng hỗ trợ những người khó hơn mình. Mình rất quý những điều đó. Giai đoạn tới, với tâm thế của một người trẻ, mình mong mỏi mọi người luôn chú ý giữ gìn sức khỏe của mình thật tốt. Đồng thời, xây dựng cho mình tâm thế vững chãi để tiếp tục vững bước trên con đường sự nghiệp của mình, có những cống hiến không chỉ cho góc độ phát triển bản thân mình mà còn ủng hộ cho xã hội.

*VOH: Riêng bản thân mình, Diệu Hương có nhận ra sự trưởng thành nào qua đợt dịch này?

Chị Diệu Hương: Nó cho mình những bài học rất lớn. Riêng bản thân mình thấy qua đợt dịch vừa rồi lại dạy cho em rất nhiều bài học về kỹ năng. Bản thân là cán bộ Đoàn, cũng thường tổ chức các lớp kỹ năng cho các bạn sinh viên. Tuy nhiên, mình nghĩ có những kỹ năng phải va chạm về mặt thực tế thì mình mới biết cách phát huy nó. Ví dụ như kỹ năng giao tiếp cơ bản thôi, trong mùa dịch vừa qua mình thật sự thấy kỹ năng giao tiếp mở rộng hơn rất nhiều, cho mình nhiều thực tiễn để từ đó làm sống động thêm kỹ năng cho bản thân mình và cho các bạn trẻ. Bên cạnh câu chuyện kỹ năng, mùa dịch cũng cho mình một tâm thế, đó là tâm thế của những người đi sau. Mình cảm thấy rất xúc động trước những hành động của các thầy cô khi giúp đỡ các bạn sinh viên. Và các sinh viên cũng như vậy, hiện nay các bạn sinh viên cũng từ đó tự xây dựng cho mình những hoài bão, lý tưởng và nhiệt huyết đối với công việc của mình sau này, để vừa phát triển kiến thức cho bản thân mình vừa có những đóng góp cho xã hội.

*VOH: Cám ơn chia sẻ của chị Diệu Hương. Mời chia sẻ từ Thạc sĩ Trường An?

Thạc sĩ Trường An: Mình vẫn còn cảm thấy bồi hồi. Mình vẫn luôn có niềm tin, sự cố gắng nỗ lực vào tương lai tốt đẹp của Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước. Đây cũng sẽ là một cột mốc đáng nhớ của mình. Nếu nhìn tích cực, cũng qua đợt dịch này mà mình nhìn nhận lại nhiều thứ từ con người, công việc cho đến nhân sinh quan xung quanh thế nào, để mỗi người tự phải biết điều chỉnh để thích ứng được với điều kiện mới như thế này. Mỗi người cải thiện tốt hơn, mỗi cá nhân biết tốt hơn thì xã hội sẽ tốt hơn. Ví dụ: trước đây nghe làm việc trực tuyến ai cũng ngại, nhưng bây giờ họp online, học và thi online buộc lòng các đơn vị đều phải chuyển mình, nên bản thân mình cũng phải chuyển động làm sao để thích ứng với điều kiện mới như thế này.
*VOH: Cám ơn Thạc sĩ Trường An. Một lần nữa cám ơn các vị khách mời.