TPHCM đẩy mạnh kiểm kê khí nhà kính 2 năm/lần

(VOH) - Sáng nay 28/8 Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Cơ quan hợp tác phát triển Nhật Bản (JICA) và Sở TN&MT TP. HCM tổ chức báo cáo giữa kỳ về hoạt động của dự án SPI – NAMA.

Bắt đầu từ năm nay, TPHCM sẽ kiểm kê khí nhà kính 2 năm/lần và đẩy mạnh các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính” – đây là thông tin Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cho biết, tại cuộc họp báo cáo giữa kỳ về hoạt động của dự án SPI – NAMA.

Bắt đầu từ 2015, Dự án SPI-NAMA do Bộ TN&MT chủ trì, JICA hỗ trợ đã bước đầu triển khai; tiến hành thí điểm giảm phát thải khí nhà kính ở TP Hồ Chí Minh. Kết quả đạt được là xây dựng và thực hiện được một số dự án thí điểm về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và từng bước hoàn thiện các hướng dẫn về kiểm kê phát thải khí nhà kính, trọng tâm là xây dựng quy trình đo đạc, báo cáo và thẩm tra (MRV) cho một số lĩnh vực chủ yếu của TP. Hồ Chí Minh.

Ông Hà Minh Châu, Phó Chánh văn phòng Biến đổi khí hậu TP.HCM cho biết: “ Sở TNMT đang thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Tuy nhiên, do mới thực hiện năm 2013 và chúng tôi đang tiếp tục thực hiện cho năm 2016, dự kiến mỗi 2 năm sẽ thực hiện một lần.

Trên cơ sở kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris của Chính phủ, bây giờ là làm thế nào để xác định được mục tiêu cắt giảm bằng định lượng đàng hoàng và làm thế nào mình biết được khả năng của mình có thể giảm được".

Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Phương Mai đặt vấn đề: lượng phát thải lớn nhất tại thành phố là nằm ở giao thông và năng lượng cố định, chiếm hơn 90% tổng lượng phát thải của thành phố. Vậy cơ quan chức năng có nên xây dựng kế hoạch, có các biện pháp hoặc các chính sách để giảm lượng phát thải tập trung vào 2 nguồn này là chính hay không?

Tiến sĩ Mai cho rằng nên tập trung hơn vào chính sách khuyến khích cho việc sử dụng năng lượng mặt trời ở dạng công nghiệp, tức là  tạo ra năng lượng mặt trời và sử dụng nó bằng cách hòa vào lưới điện chẳng hạn. “Nhiều dự án hiện nay tôi thấy khó khăn nhiều nhất là bán những nguồn điện tái tạo như biogas hay năng lượng mặt trời…Hiện nay giá thành còn chưa khuyến khích xã hội hóa để chuyển hóa các năng lượng tái tạo này“, Tiến sĩ Mai nói.

Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi Trường phát biểu.

Trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Việt Nam đã đệ trình đóng góp do quốc gia tự quyết định. Theo đó đến năm 2030, Việt Nam cam kết sẽ cắt giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với năm 2010 bằng nguồn lực trong nước.

Mức cắt giảm có thể tăng lên đến 25% khi nhận được hỗ trợ thông qua hợp tác song phương, đa phương. Để thực hiện được cam kết nêu trên, đòi hỏi sự có sự nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là TPHCM, trong việc xây dựng, triển khai các chính sách liên quan đến giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, tăng cường năng lực, kiến thức, kỹ năng; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, đánh giá mức độ phát thải khí nhà kính cũng như tiếp tục huy động các nguồn lực từ khối tư nhân cũng như từ các tổ chức quốc tế.

Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi Trường cho biết, Cục Biến đổi khí hậu và Sở TNMT TP HCM đã đề xuất các hoạt động tiếp theo cho năm 2018 – 2019, bao gồm phân tích và đề xuất các chính sách nhằm thực hiện hiệu quả kế hoạch hành  động về biến đổi khí hậu của thành phố, trọng tâm là các cơ sở có mức phát thải lớn và thí điểm xây dựng dự án tăng cường hiệu quả cho các tòa nhà tại TP HCM.

Thứ hai là thực hiện hoạt động kiểm kê khí nhà kính cấp thành phố. Cuối cùng là xây dựng hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm tra mức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho ngành giao thông.

Dự án SPI-NAMA nhằm xây dựng, thực hiện và phổ biến các chính sách, công cụ quản lý Nhà nước cấp Trung ương và địa phương đối với các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bao gồm: Hệ thống Đo đạc - Báo cáo - Thẩm định và kiểm kê khí nhà kính.

Thông qua dự án này, TP.HCM là một trong 5 thành phố kiểm kê đầy đủ 5 nguồn phát thải gây hiện tượng khí nhà kính; 16 thành phố kiểm kê được 3 nguồn phát thải và dự kiến sẽ là địa phương đi đầu trong cả nước kiểm soát được nguồn phát thải gây hiệu ứng nhà kính.