TPHCM: Kiến nghị xem xét lại việc cấm dạy thêm - học thêm trong trường học

(VOH) - “Chúng ta nói nhiều đến việc nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, giờ là lúc bắt tay cụ thể hoá từng mục tiêu đề ra” - đây là yêu cầu của Bí thư Thành uỷ TPHCM Đinh La Thăng tại Hội nghị Tổng kết năm học 2015-2016 và triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017 vừa diễn ra chiều ngày 12/8.

Trong năm học qua, ngành giáo dục TPHCM đã có những đổi mới mạnh mẽ trong công tác dạy và học như: cập nhật các phương pháp giảng dạy hiện đại, chú trọng giảm tải chương trình, tăng thực hành, giảm lý thuyết, nâng cao năng lực sử dụng Tiếng Anh, xây dựng chương trình tích hợp, đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng chuyển từ trọng tâm đánh giá nội dung học tập sang đánh giá phẩm chất và năng lực người học…

Tuy nhiên, kiến nghị cho năm học mới, tổng hợp các ý kiến từ hội nghị nội bộ (diễn ra ngày 11/8), ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT cho biết về việc dạy thêm- học thêm, đa số các trường đều quan tâm, đề xuất nên có lộ trình và mong muốn lãnh đạo thành phố xem xét lại việc cấm dạy thêm - học thêm trong nhà trường.

Với cách tổ chức thi như hiện nay, học sinh nếu chỉ tham gia giờ học chính khoá tại trường thì không thể hoàn thành tốt bài thi. Việc tổ chức dạy thêm- học thêm trong nhà trường thực tế đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của số đông học sinh, phụ huynh với các tiêu chí như: đảm bảo cơ sở vật chất, an toàn cho các em, dễ quản lý học sinh, kiểm soát được nội dung, chất lượng giáo viên…

Trong khi đó, tại các cơ sở dạy thêm - học thêm ngoài nhà trường việc đạt các tiêu chí trên khá hạn chế.  Ngoài ra, đây còn là giải pháp hỗ trợ ổn định đời sống không chỉ cho giáo viên trực tiếp giảng dạy, mà còn cho cả đội ngũ nhân viên gián tiếp của nhà trường, góp phần giải quyết kinh phí các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, ngoại khoá, giáo dục kỹ năng.

“Đề án phát triển giáo dục và đào tạo TPHCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với các nội dung chính là điều chỉnh chương trình theo hướng giảm tải, đánh giá học sinh theo năng lực thực tế, không chỉ dựa vào kết quả các bài thi lý thuyết và giao việc công nhận tốt nghiệp THPT cho thành phố… Với việc áp dụng các đề án đó sẽ hạn chế, tiến tới chấm dứt việc dạy thêm - học thêm trong và ngoài nhà trường”, ông Đỗ Minh Hoàng cho biết thêm.

 Chú trọng phát triển toàn diện văn-thể-mỹ 

Thời gian qua, thành phố luôn tăng mức chi hàng năm cho ngân sách giáo dục, với mức chi hiện nay chiếm khoảng 28% ngân sách chi thường xuyên, 20% ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản.

Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng khẳng định, lãnh đạo thành phố luôn nhận thức rõ vai trò quan trọng của giáo dục và đào tạo trong sự nghiệp phát triển thành phố, đồng thời đánh giá cao những kết quả ngành giáo dục đạt được trong thời gian qua.

Tuy nhiên, Bí thư cũng ghi nhận những tồn tại như: nạn dạy thêm - học thêm, thiếu cơ sở và giáo viên mầm non, chương trình học nặng, tạo áp lực cho học sinh, quá tải trường lớp, bạo lực học đường, chất lượng chuyên môn giáo viên tiếng Anh còn nhiều hạn chế… Đây sẽ là những thách thức không nhỏ cho mục tiêu trở thành “điểm sáng” trong khu vực.

Để thực hiện đổi mới giáo dục, Bí thư Thành uỷ yêu cầu ngành giáo dục thành phố phối hợp điều tra, nghiên cứu xu hướng nghề nghiệp, nhu cầu nguồn nhân lực sắp tới trong bối cảnh hội nhập. Tránh tình trạng mất cân đối, lãng phí nguồn nhân lực.

Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng khẳng định: “Chúng ta phải tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, hiệu suất đào tạo, góp phần quan trọng cho việc hình thành nhân cách tốt đẹp cho học sinh, vì mục tiêu nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài và xây dựng thành phố học tập. Phải làm sao để sản phẩm giáo dục đào tạo lập tức trở thành nguồn đầu vào cao cấp của quy trình cho ra đời những sản phẩm có hàm lượng trí tuệ cao khác, phải lắng nghe xã hội, doanh nghiệp, các nhà tuyển dụng, chứ không phải dựa vào vị thế đặc biệt của mình để tìm cách áp đặt cho họ”.

Cụ thể, trong năm học mới 2016-2017, Bí thư Thành uỷ yêu cầu ngành giáo dục phải thực hiện các nhiệm vụ: giảm tải nhanh giáo dục phổ thông, chú trọng phát triển toàn diện văn-thể-mỹ cho học sinh; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đội ngũ giáo dục; đề xuất những giải pháp nâng cao chế độ đãi ngộ giáo viên, cán bộ giáo dục gắn liền với trách nhiệm cụ thể, không cào bằng, phát huy năng lực nhân tố tích cực; gắn kết gia đình- nhà trường và xã hội.