Tranh luận về “chương trình chất lượng cao” hay “chương trình dịch vụ chất lượng cao”

(VOH) - Chiều 13/2, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị Tổng kết tuyển sinh năm 2019, triển khai công tác tuyển sinh năm 2020, trình độ ĐH hệ chính quy, trình độ CĐ ngành giáo dục mầm non hệ chính quy.

Hội nghị được trực tuyến tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, Thái Nguyên, Tây Nguyên và Cần Thơ.

Tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều đại biểu đề nghị không nên khống chế chỉ tiêu tuyển sinh đối với các ngành mới mở, cần quy định theo tỷ lệ % (30-50%) để đảm bảo nguồn lực cho nhà trường thay vì 50 chỉ tiêu như quy định. Trong phương thức tuyển sinh Điều 5, tuyển sinh Chất lượng cao cũng nhận được nhiều ý kiến tranh luận gay gắt. Nhiều đại biểu đặt vấn đề, nên hiểu như thế nào về chương trình đào tạo chất lượng cao hay chương trình đào tạo có dịch vụ chất lượng cao.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng đào tạo, trường Đại học Bách Khoa – Đại học Quốc gia TPHCM nêu ý kiến: “Điều 5 về tuyển sinh chương trình chất lượng cao, điểm trúng tuyển phải cao hoặc bằng chương trình chuẩn cùng ngành. Tôi đề nghị sửa thành “ngưỡng đảm bảo chất lượng”, vì mục tiêu tuyển sinh của chúng ta là đảm bảo nguồn tuyển tốt. Như vậy, nếu nguồn tuyển của chương trình chất lượng cao thông qua ngưỡng đảm bảo chất lượng nó tốt hơn hoặc bằng ngưỡng đại trà, thì đó là điều đúng. Còn điểm trúng tuyển lại phụ thuộc vào hồ sơ nộp”.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH SPKT TPHCM tham gia góp ý kiến

Trong khi đó, Phó Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trong những năm qua, các trường đại học công lập phát triển, sinh viên được hưởng lợi, là nhờ vào chương trình dịch vụ chất lượng cao: “Các chương trình chất lượng cao ở phía Nam thực chất là các chương trình dịch vụ chất lượng cao. Tức là chương trình đào tạo hoàn toàn khác, điều kiện khác, phương pháp khác, đặc biệt là học phí khác, cao hơn nhiều hệ đại trà. Cho nên, bây giờ mình phải tuân theo quy luật tuyển sinh, số lượng đăng ký nhiều thì điểm chuẩn sẽ cao, còn số đăng ký ít thì điểm chuẩn sẽ thấp. Mình làm gì lại đề ra điểm chương trình chất lượng cao phải cao hơn đại trà, đó là sai lầm”.

Về việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các Quy chế, Bộ Giáo dục - Đào tạo cho hay, đã huy động tổ chuyên gia gồm 21 thành viên đến từ 19 cơ sở đào tạo phối hợp tiến hành rà soát, sửa đổi bổ sung Quy chế tuyển sinh và Quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh.

Ông Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Bộ GD-ĐT chủ trì hội nghị đầu cầu TPHCM.

Phản hồi tại hội nghị, ông Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, chủ trì điểm cầu tại TPHCM cho biết: “Về tuyển sinh chất lượng cao, quy chế tuyển sinh mới đang làm dự thảo. Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tiếp thu ý kiến của các địa phương. Nói như PGS.TS Đỗ Văn Dũng là đúng ở ý: không gọi chương trình chất lượng cao được, mà nên gọi là chương trình có dịch vụ chất lượng cao thôi. Nhưng, ở đây chúng ta đang nói chương trình chất lượng cao. Chúng tôi làm việc với nhiều đơn vị liên quan, tại sao gọi là chương trình chất lượng cao, con không trúng tuyển vào hệ chính quy của trường đấy thì thi vào chương trình chất lượng cao, lại đậu. Đấy là có thật. Thế thì làm sao gọi là chương trình chất lượng cao được”.

Sau khi nghe ý kiến thảo luận tại các điểm cầu trên toàn quốc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ yêu cầu: “Đối với các trường đại học, tôi đề nghị các đồng chí tư vấn tuyển sinh phải bám sát được nhu cầu của thực tiễn, ngành nghề và đảm bảo sự tin cậy trung thực thông tin trong tuyển sinh, tránh tình trạng phong trào".