Tự hào ngôi trường đại học duy nhất mang tên Sài Gòn: Giữ nét cổ kính – hòa nhịp hiện đại

(VOH) - Trường Đại học Sài Gòn, tiền thân là Trường Sư phạm cấp II miền Nam Việt Nam, được thành lập vào ngày 09/02/1972 tại căn cứ Trung ương cục miền Nam (Tây Ninh).

Ngày 3/9/1976, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1784/QĐ thành lập Trường Cao đẳng Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở Trường Sư phạm cấp II miền Nam Việt Nam.

Cho đến tháng 04/2007, Trường Đại học Sài Gòn được thành lập trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

Trường Đại học Sài Gòn là 1 trong 2 trường đại học trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, thực hiện sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước.

Tự hào ngôi trường đại học duy nhất mang tên Sài Gòn: giữ nét cổ kính – hòa nhịp hiện đại 1

Trường Đại học Sài Gòn 

Bên cạnh đó, ngôi trường này được mệnh danh là ngôi trường đẹp, cổ kính nhất Thành phố với sự nỗ lực gìn giữ những giá trị văn hóa, truyền thống của ngôi trường.

Trong tiến trình hội nhập, Trường Đại học Sài Gòn tích cực thực hiện đổi mới và góp phần phát triển giáo dục đại học Việt Nam, phấn đấu đến năm 2035 phát triển Trường Đại học Sài Gòn trở thành trường đại học theo hướng nghiên cứu, đạt chuẩn quốc tế.

Kỷ niệm 45 năm Ngày Thành phố Sài Gòn – Gia Định chính thức vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh (02/07/1976 - 02/07/2021), VOH phỏng vấn ông Võ Văn Thật, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sài Gòn.

Tự hào ngôi trường đại học duy nhất mang tên Sài Gòn: giữ nét cổ kính – hòa nhịp hiện đại 2

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn Võ Văn Thật.

*VOH: Thưa ông, là ngôi trường được vinh dự mang tên “Sài Gòn” và là một trong hai trường đại học trực thuộc Ủy ban nhân dân TPHCM, Trường đã có những dấu ấn ra sao, đóng góp vào sự phát triển chung của Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian?

Ông Võ Văn Thật: Trường Đại học Sài Gòn với tiền thân là Trường Sư phạm cấp II miền Nam Việt Nam, trải qua gần 50 năm hình thành và phát triển, chúng tôi luôn cảm thấy tự hào về một hành trình không ngừng nỗ lực, sáng tạo, đổi mới mang đến cho người học những giá trị cao nhất.

Với tên gọi Đại học Sài Gòn, cũng là ngôi trường gắn với quá trình xây dựng và phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh từ những ngày đầu đến nay, với truyền thống năng động, sáng tạo, cùng với nỗ lực, phấn đấu của nhiều thế hệ cán bộ, lãnh đạo, viên chức, học viên, sinh viên trường qua các thời kỳ, Trường Đại học Sài Gòn đã đạt được một số thành quả đáng trân trọng, có những cột mốc, dấu ấn đáng nhớ đóng góp vào sự phát triển chung của Thành phố.

Xuất phát điểm là ngôi trường sư phạm đầu tiên và duy nhất trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước ở miền Nam thời kỳ 1971 – 1975, với nhiệm vụ quan trọng là đảm trách việc đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý ngành Giáo dục vào thời điểm đó cũng như bồi dưỡng lực lượng cán bộ xây dựng phong trào giáo dục cách mạng.

Đến giai đoạn giải phóng hoàn toàn miền Nam và thống nhất đất nước, một bộ phận cán bộ của Trường Sư phạm cấp II miền Nam Việt Nam được giao nhiệm vụ tiến về Sài Gòn và Trường Cao đẳng Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh ra đời từ đó.

Sau nhiều lần sáp nhập, thay đổi, ngày 25/4/2007, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 478/QĐ-TTg ngày 25/4/2007 về việc thành lập trường Đại học Sài Gòn trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Sư phạm TP. Hồ Chí Minh.

Hiện nay, Trường có tổng số 43 đơn vị trực thuộc, bao gồm: 18 khoa đào tạo; các phòng, ban, trung tâm; đặc biệt là có 01 trường tiểu học thực hành và 01 trường trung học thực hành.

Đến nay, quy mô sinh viên toàn trường là 20.153 sinh viên với 39 ngành đào tạo đại học; Tổ chức đào tạo 12 chuyên ngành thạc sĩ, 04 ngành trình độ tiến sĩ với hơn 1300 học viên, nghiên cứu sinh đến từ 59 tỉnh, thành phố trên cả nước đang học tập tại Trường.

Từ đội ngũ ban đầu khoảng 300 cán bộ, viên chức, đến nay toàn Trường đã có 831 người, chia theo trình độ đào tạo có 179 tiến sĩ (trong đó có 01 giáo sư, 36 phó giáo sư), 406 thạc sĩ.

Trường đã được Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cấp Giấy chứng nhận Kiểm định chất lượng giáo dục trường đại học. Giấy chứng nhận có giá trị trong thời gian 5 năm kể từ ngày 29/3/2017 theo Quyết định số 27/QĐ-KĐCL ngày 29/3/2017 của Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Ngoài ra, Trường được cấp Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục cấp chương trình đào tạo của Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh với các ngành đào tạo sau: Ngành Giáo dục Tiểu học trình độ đại học; Ngành Sư phạm Lịch sử trình độ đại học; Ngành Sư phạm Tiếng Anh trình độ đại học; Ngành Quản trị Kinh doanh trình độ đại học; Ngành Quản trị Kinh doanh trình độ thạc sĩ; Ngành Tài chính – Ngân hàng trình độ đại học; Ngành Tài chính – Ngân hàng trình độ thạc sĩ; Ngành Luật trình độ đại học.

Có thể thấy, hành trình 49 năm của Đại học Sài Gòn với tiền thân là Trường Sư phạm cấp II miền Nam Việt Nam là cả một chặng đường dài. Từ một trường Cao đẳng sư phạm, trở thành một trường Đại học đa ngành đa cấp.

Với sứ mạng là cơ sở giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học công lập, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hồ Chí Minh và cả nước, cùng với sự quan tâm, tin tưởng, chỉ đạo kịp thời và tạo mọi điều kiện thuận lợi của Thành ủy, UBND Thành phố,  tập thể cán bộ, giảng viên, viên chức nhà trường sẽ không ngừng ra sức cố gắng, và chúng tôi hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, Trường Đại học Sài Gòn nhất định tiếp tục phát triển mạnh mẽ, có vị thế ngày càng cao trong hệ thống giáo dục đại học trong nước và quốc tế.

*VOH: Thưa ông, trong quá trình hội nhập, Trường xác định mục tiêu phát triển đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 như thế nào?

Ông Võ Văn Thật: Theo chiến lược phát triển của Nhà trường, về mục tiêu chung, chúng tôi hướng đến việc xây dựng, phát triển và nâng cao chất lượng các mặt hoạt động của Trường Đại học Sài Gòn đảm bảo đủ điều kiện hội nhập khu vực và quốc tế, góp phần đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hồ Chí Minh.

Mục tiêu đến năm 2025, Trường Đại học Sài Gòn đạt chuẩn cơ sở giáo dục đại học quốc gia, đạt chuẩn cơ sở giáo dục của mạng lưới đảm bảo chất lượng các trường đại học Đông Nam Á, thành lập các cơ sở nghiên cứu khoa học cơ bản và các cơ sở nghiên cứu khoa học ứng dụng.

Về tầm nhìn, Trường Đại học Sài Gòn thực hiện đổi mới và góp phần phát triển giáo dục đại học Việt Nam, phấn đấu đến năm 2035, phát triển Trường Đại học Sài Gòn trở thành trường đại học theo hướng nghiên cứu, đạt chuẩn quốc tế.

Với mục tiêu và tầm nhìn đã nêu trên kết hợp với mục tiêu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 và định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn 2021-2030 của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng tôi đã định hướng một số nội dung phát triển giáo dục và đào tạo hướng đến việc quản trị đại học cụ thể là:

+ Thứ nhất: hoạch định các chiến lược phát triển nguồn lực thông qua hoạch định chiến lược phát triển nhà trường.

+ Thứ hai: quản trị cơ chế chính sách thông qua xây dựng cơ chế gắn hoạt động của Hội đồng trường.

+ Thứ ba: xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hoàn thiện hệ thống giáo dục theo hướng giáo dục mở. 

+ Thứ tư: quản trị dựa trên số hóa và tích hợp giữa các lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật số, sinh học để giải quyết những vấn đề về kinh tế - xã hội.

*VOH: Thưa ông, “Đại học Sài Gòn” – tự thân tên gọi đã chứa đựng một vinh dự, tự hào nhưng cũng gắn với trách nhiệm của các thế hệ gìn giữ, bồi đắp cho ngôi trường để xứng đáng với những giá trị lịch sử truyền thống của Trường, vậy những giá trị cốt lõi mà Trường xác định trong quá trình phát triển nhà trường là gì?

Ông Võ Văn Thật: Đảm bảo chất lượng và văn hoá chất lượng được xem là thành tố cốt lõi của Trường Đại học Sài Gòn, tạo thêm sức mạnh và hỗ trợ Nhà trường hoàn thành sứ mệnh và mục tiêu.  

Trên nền tảng đó, chúng tôi đã xây dựng những giá trị cốt lõi.

Thứ nhất, Nhà trường luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm và văn hóa trách nhiệm thông qua việc giao nhiệm vụ phù hợp cho từng các nhân và tập thể.

Thứ hai, nâng cao tinh thần trách nhiệm cá nhân. Nghĩa là, mỗi cá nhân không chỉ chịu trách nhiệm đối với công việc của họ mà còn chịu trách nhiệm với những người có liên quan, đối với tập thể.

Thứ ba, nhà trường có chính sách đãi ngộ cho đội ngũ các nhà khoa học, giảng viên có trình độ cao. Chính điều này đã tạo động lực cho đội ngũ viên chức không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn.

*VOH: Cám ơn ông.