Tuyên dương 130 "Trái tim người thầy"

(VOH) - Công đoàn Giáo dục vừa tổ chức buổi Họp mặt giao lưu "Trái tim người thầy" năm 2019, nhân kỷ niệm 37 năm Ngày Nhà giáo việt Nam (20/11/1982-20/11/2019).

Buổi họp mặt nhằm tôn vinh 130 cán bộ quản lý, giáo viên chủ nhiệm giỏi tiêu biểu, của ngành giáo dục và đào tạo TPHCM. Các giáo viên này là những người đã có những nỗ lực mang đến hạnh phúc cho học sinh, là những tấm gương hi sinh tận tụy, sống có trách nhiệm, góp phần nêu cao đạo đức truyền thống nhà giáo.

Tại buổi họp mặt, câu chuyện chọn nghề sư phạm, kinh nghiệm giáo dục học sinh được các thầy cô chia sẻ. Đó là việc phát hiện kịp thời tình trạng trầm cảm của học sinh của một giáo viên ở Cần Giờ đã giúp học sinh vượt qua những ý nghĩ tự kết liễu cuộc sống, câu chuyện về cô bé tiểu học bị mất một chân do tai nạn đã tự tin hơn khi thầy giáo tạo điều kiện phát huy năng lực trong đội nghi thức của nhà trường, câu chuyện về cô giáo mầm non đã hỗ trợ học sinh bị tự kỷ hoà nhập tốt và phát triển thành học sinh khoẻ mạnh tích cực...

Giáo viên Phạm Thị Phương Linh, Phó chủ tịch Công đoàn cơ sở Trường THPT Trần Văn Giàu, Quận Bình Thạnh, chia sẻ: "Mỗi năm, trái tim người làm giáo viên chủ nhiệm dường như lớn ra thêm để chứa đựng những tình cảm của học sinh. Mình cảm thấy đây là một nghề thực sự rất đáng quý. Học sinh yêu thương, trân trọng mình. Cho dù sau này công nghệ 4.0 phát triển vũ bão  như thế nào, có thể học trên mạng, tiếp xúc công nghệ thông tin rất nhiều nhưng vai trò của người thầy người cô vẫn chiếm vị trí vô cùng quan trọng. Chính thầy cô sẽ là người giáo dục tư cách đạo đức, nhân cách, định hướng tương lai cho các em. Điều đó, không có máy móc, công nghệ nào có thể thay thế được".

    

 Buổi Họp mặt giao lưu "Trái tim người thầy" năm 2019

Tại buổi giao lưu, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, nhắc về cô giáo dạy Toán lớp 7 của mình. Người đã phát hiện, động viên, khích lệ cậu bé học sinh trường làng có sức học bình thường năm nào, yêu thích, tìm hiểu về môn học nhiều hơn. Từ đó, nuôi dưỡng ước mơ trở thành giáo viên bộ môn Toán sau này.

Ông Nguyễn Văn Hiếu khẳng định: "Tấm gương của thầy cô giáo, tôi cho rằng quan trọng hơn cả kiến thức thầy cô cho học sinh. Sự quan tâm, sâu sát, gắn bó biết được từng tâm trạng học sinh, động viên đúng lúc ... là rất quan trọng. Thầy cô giáo của chúng ta rất có tâm, hiểu được học sinh và đem đến cho các em nhiều cơ hội phát triển, vươn lên"

Cô giáo Phạm Thị Thanh Nhung, trường Trung học cơ sở Nguyễn An Khương, Huyện Hóc Môn, với 15 năm tuổi nghề, vừa được tuyên dương "Trái tim người thầy"

Cô nhớ lại ngày mình mới ra trường hơn 10 năm trước. Lúc đó một cậu học trò của lớp cô chủ nhiệm có biểu hiện chán chường, thẫn thờ, hay nằm dài trên lớp. Liên lạc với phụ huynh cho một cuộc gặp mặt trực tiếp nhưng mẹ cậu bé không thể thu xếp được.

Cô giáo trẻ phải lần theo địa chỉ để tìm đến thăm nhà học trò. Lúc này, câu chuyện về sự gãy đổ hôn nhân, về những bữa chạy chợ của người mẹ, về sự vất vả với vai trò người anh lớn có đứa em mới hơn 1 tuổi của cậu học trò mới lần giở. Hiểu phụ huynh, hiểu học trò, cô giáo trẻ quan tâm đến em học sinh nhiều hơn, giải thích cho em về những trăn trở của người lớn khi phải chọn quyết định ly hôn, khuyên nhủ bảo ban giúp em vượt qua giai đoạn khó khăn này để tiếp tục nỗ lực học tập. “Sau đó, câu học trò này đã có nhiều cố gắng. Cuối năm em được loại giỏi"  - Cô Nhung kể.

Còn cô giáo Nguyễn Thị Hồng Phượng, giáo viên Trường Mầm non Long Trường, quận 9, đã làm nên điều diệu kỳ khác. Năm thứ 2 về trường, cô giáo mầm non được đồng nghiệp lưu ý khi lớp chủ nhiệm năm đó tiếp nhận một học sinh bị chứng tăng động, có dấu hiệu tự kỷ. Bé không chịu chơi cùng bạn, đánh bạn, đôi khi cào cấu cắn cả cô.

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Phượng tìm cách dỗ ngọt, chiều chuộng mọi yêu cầu của cậu bé nhưng kèm theo điều kiện "mỗi ngày phải nói chuyện với cô". Cứ thế, những câu chuyện cứ tiếp nối từ ngày này sang ngày khác với sự chủ động khơi gợi từ cô. Từ bữa ăn, đến giấc ngủ cô luôn dành sự quan tâm cho cậu học trò đặc biệt. Hai cô trò ngày càng thân thiết với nhau, cũng là lúc mối quan hệ của cậu học trò với các bạn trong lớp dần được cải thiện.

Để cậu bé hòa nhập với mọi người, cô dẫn bé đến chơi cùng các nhóm bạn, dỗ dành các em hôm nay bạn rất ngoan, không còn đánh bạn nữa.... Em cũng chia sẻ cùng cô mong muốn được ba mẹ chơi cùng, chuyện trò nhiều hơn, những điều mà do bận rộn nên gia đình chưa thực hiện được cho bé. Cuối mỗi ngày, cô giáo lại chia sẻ những mong muốn của bé, phản ánh những tiến bộ của con trên lớp đồng thời nhờ phụ huynh phối hợp giáo dục thêm.

Sau một học kỳ, cậu học trò đã giảm hẳn các triệu chứng tăng động, biết tự giác làm một số việc cá nhân, biết thưa ông bà, giúp đỡ cha mẹ. Mẹ em vô cùng xúc động vì từng nghĩ rằng con mình sẽ phải học trường chuyên biệt khi vào cấp 1. Nhưng đến nay, em đã vào lớp 7. Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Phượng, đúc kết: “Với nghề mầm non, cái tâm sẽ đi trước cái tài, tài- tâm bổ trợ qua lại để nâng cao phát triển nhiều hơn"

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ gửi thư chúc mừng nhân dịp 20/11Nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã gửi thư chúc mừng cán bộ, giáo viên, nhân ...

Giám thị: Những trái tim nóng đằng sau vẻ mặt lạnh lùng: Nghĩ về họ, học sinh các thế hệ lại nhớ đến dáng vẻ nghiêm nghị, tay nhịp thước, chân rảo bước đi dọc hành lang lớp học ...