Theo kế hoạch tháng 12 tới đây, cao tốc Bến Lức - Long Thành qua tỉnh Đồng Nai sẽ thông xe sau 10 năm xây dựng. Đây là dự án cao tốc lớn nhất phía Nam giúp liên kết hai vùng Đông và Tây Nam Bộ, giảm ùn tắc cho TP HCM.
Theo kế hoạch dự kiến khoảng 7 km cao tốc Bến Lức - Long Thành, đoạn từ nút giao đường dẫn vào cảng Phước An, huyện Nhơn Trạch đến quốc lộ 51 (huyện Long Thành) sẽ khai thác cuối năm nay. Cùng thời điểm, 4 km cao tốc qua TP HCM, từ nút giao tuyến TP HCM - Trung Lương đến quốc lộ 1 cũng thông xe.
Khởi công vào năm 2014, cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 58 km, tổng mức đầu tư 31.300 tỷ đồng, đi qua Đồng Nai, TPHCM và Long An, rộng 24 m với 4 làn xe chạy và 2 làn dừng khẩn cấp, tốc độ tối đa 100 km/h.
Điểm đầu của đoạn sắp thông xe kết nối với quốc lộ 51, huyện Long Thành.
Hiện, một vòng xoay lớn và các đường dẫn từ quốc lộ 51 vào cao tốc đã thành hình và đang thi công trải nhựa đường dẫn, dự kiến nút giao thông này sẽ hoàn thiện trong tháng 11.
Cách nút giao khoảng 300 m, trạm thu phí của cao tốc Bến Lức - Long Thành với 10 làn xe đang thi công những hạng mục cuối cùng, chuẩn bị đưa vào khai thác.
Những đoạn còn lại của cao tốc Bến Lức - Long Thành đã cơ bản hoàn thành. Giai đoạn một, cao tốc được xây dựng 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 100 km/h.
Toàn dự án có 11 gói thầu xây lắp chính, sử dụng ba nguồn vốn, gồm: vốn vay Ngân hàng ADB, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng trong nước. Đoạn 7 km cao tốc Bến Lức - Long Thành qua Đồng Nai thuộc gói thầu A7 và một phần gói thầu A6.
Phần lớn đoạn cao tốc này đi qua rừng ngập mặn ở xã Phước An (huyện Nhơn Trạch) và Phước Thái (huyện Long Thành). Sau khi công trình hoàn thành, nhà thầu sẽ trồng thay thế 14 ha rừng đước bù vào 7 ha rừng phòng hộ đã thu hồi đất để xây dựng công trình.
Hạng mục quan trọng ở đoạn cao tốc này là cầu vượt sông Thị Vải đã hoàn thành. Cầu dài 3,3 km, tổng mức đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng. Đây là hạng mục thi công khó khăn nhất của gói thầu A7 do địa chất phức tạp với nhiều tầng đá cứng.