Đoạn hư hỏng dài khoảng 70 km từ TP Đà Nẵng đến TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
Trên cao tốc này từ Bắc vào Nam, đoạn ngã tư Túy Loan giao quốc lộ 14B, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng mặt đường bị lún chênh nhau gần 10 cm, kéo dài hơn 100 m. Hay tại km17+300 hơn 100 m bị sống trâu, cao gần 10 cm. Mặt đường dồn lên cao, nhựa đường nứt vỡ, tạo vệt lồi lõm giáp với làn khẩn cấp.
Tương tự đoạn km57+300 bị bong tróc một mảng lớn, đã được vá nhưng vẫn không bằng phẳng. Ở chiều ngược lại, từ TP Tam Kỳ đi TP Đà Nẵng xuất hiện nhiều vệt sống trâu. Còn từ TP Tam Kỳ đi Quảng Ngãi tình trạng mặt đường xuống cấp ít hơn.
Một lái xe thường lái ôtô từ Tam Kỳ ra Đà Nẵng, cho biết mặt cao tốc xuống cấp nhiều tháng qua. Mỗi khi xuất hiện ổ gà, đơn vị khai thác vá đường, còn vệt hằn lún, sống trâu chưa được xử lý.
Một số điểm mặt đường tiếp giáp với mố cầu bị lún, lượn sóng, nhấp nhô. Xe chạy tốc độ tối đa 120 km/h, nếu tài xế phát hiện không kịp xe sẽ bị nẩy xóc.
Lý giải nguyên nhân mặt đường hư hỏng, theo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho hay lưu lượng phương tiện trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi trung bình đạt khoảng 6.000 xe/ngày đêm.
Trong đó xe tải chiếm hơn 51%, lớn hơn nhiều so với các cao tốc khác do VEC quản lý 10-20%. "Xe tải nặng lưu thông thường xuyên, có thể có xe quá tải, làm ảnh hưởng đến chất lượng mặt đường, gây hằn lún vệt bánh xe", đại diện VEC giải thích.
Về việc chậm sửa chữa, VEC cho rằng do một số nhà thầu xây lắp vướng vào vòng lao lý. Sau khi có phán quyết cuối cùng của tòa hồi cuối tháng 6, VEC và các nhà thầu đã xác định được trách nhiệm để khắc phục hư hỏng mặt đường..