Chờ...

Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu: Động lực phát triển kinh tế vùng trung du miền núi phía Bắc

VOH - Sáng ngày 29/9, dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu chính thức khởi công tại tỉnh Hòa Bình, với tổng chiều dài 34km và tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng.

Tuyến đường này dự kiến sẽ giải phóng mặt bằng quy mô 4 làn xe và hoàn thành vào năm 2028. Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu được đầu tư bằng nguồn vốn từ ngân sách trung ương và địa phương, trong đó tỉnh Hòa Bình đảm nhận vai trò chủ đầu tư.

Dự án bắt đầu từ thị trấn Đà Bắc (Hòa Bình) và kết thúc tại xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ (Sơn La). Đặc biệt, tuyến cao tốc không chỉ có hầm xuyên núi mà còn có cây cầu dây văng Hòa Sơn, với nhịp chính dài 550m và trụ tháp cao 187m, bắc qua hồ Hòa Bình.

Giai đoạn một của dự án, cao tốc được thiết kế với tốc độ 80km/h, chiều rộng nền đường 12m, và cầu Hòa Sơn sẽ được xây dựng với quy mô 4 làn xe.

Theo Ban Quản lý dự án Hòa Bình, dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu là một phần quan trọng trong việc thực hiện ba đột phá chiến lược của đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông, đúng theo nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng.

Đồng thời, dự án còn thể hiện tinh thần phân cấp, phân quyền cho địa phương tự chủ trong phát triển hạ tầng, phù hợp với tinh thần của Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII: "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".

img0184-1727585205918154392973-3947-1534-1727599770
Thủ tướng Phạm Minh Chính thực hiện nghi thức động thổ khởi công dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu - Ảnh: VGP

Tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính kỳ vọng dự án cao tốc sẽ tạo ra không gian phát triển mới, kết nối vùng trung du miền núi phía Bắc với đồng bằng sông Hồng và miền Trung, giảm chi phí logistics và tăng cường khả năng cạnh tranh của sản phẩm cũng như nền kinh tế.

Dự án cũng được xem là động lực thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế, tạo công ăn việc làm, và phát triển sinh kế cho người dân địa phương, đồng thời đảm bảo an ninh quốc phòng.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Hòa Bình cần hoàn thành giải phóng mặt bằng trước ngày 30/11/2024, đảm bảo rằng nơi ở mới của người dân phải tốt hơn hoặc bằng nơi cũ. Dự án cũng cần được triển khai với tinh thần khẩn trương, hiệu quả, rõ ràng trong phân công trách nhiệm và đảm bảo tiến độ.

Thủ tướng Chính phủ cũng giao cho các nhà thầu và đơn vị tư vấn, giám sát thi công phải quyết tâm cao độ, làm việc với phương châm: "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "vượt nắng, thắng mưa", thi công không ngừng nghỉ để đảm bảo hoàn thành dự án trước ngày 31/12/2027.