Chiều 11/11, lãnh đạo UBND TP.HCM vừa chủ trì cuộc họp đề xuất đề án xây dựng các dự án nhà ở xã hội, chính sách bồi thường phục vụ cho công tác di dời nhà đất trên và ven sông, kênh, rạch.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, thành phố có khoảng 48.143 căn nhà trên và ven sông, kênh, rạch và 9 dự án di dời, giải tỏa để chỉnh trang đô thị. Trong đó, TP đã bồi thường, giải phóng mặt bằng 1.149 căn, đang tiếp tục thực hiện 243 căn.
Số còn khoảng 46.452 căn nhà trên và ven sông, kênh, rạch chưa được triển khai thực hiện, cũng chưa có phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Việc dự báo chính xác nhu cầu nhà ở xã hội cho công tác di dời còn nhiều khó khăn do thiếu dữ liệu điều tra xã hội học. Các quận huyện chỉ đưa ra con số ước tính khoảng 8.157 căn, tương đương khoảng 17,6% tổng số căn nhà cần di dời. Thực tế, nhu cầu này có thể cao hơn hoặc thấp hơn tùy thuộc vào từng địa bàn.
Hiện TP chưa điều tra xã hội học nên một số quận huyện chưa thể dự kiến chính xác được số lượng nhu cầu nhà ở xã hội phục vụ tái định cư.
Tp.HCM đã đặt vấn đề thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội cho hộ dân sống ven kênh rạch khi không có dự án đầu tư xây dựng hoặc cải tạo.
Theo Luật Đầu tư công, đối với các dự án nhóm B và C, công tác bồi thường là một phần của dự án đầu tư xây dựng. Do đó, nếu thực hiện di dời mà không có dự án đầu tư xây dựng, UBND TPHCM cần xin ý kiến từ các cơ quan thẩm quyền.
Đồng thời, các trường hợp nhà xây dựng không có giấy tờ hợp lệ, đa phần là chiếm dụng, nhà đất không hợp pháp… sẽ không đủ điều kiện bồi thường đất nhưng có thể được hỗ trợ nhà ở theo Luật Đất đai 2024. Tuy nhiên, không phải tất cả trường hợp đều đủ điều kiện nhận nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở 2023. Vì vậy, cần thiết xây dựng đề án thực hiện di dời.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường đánh giá, hiện TP có 85 dự án liên quan, trải dài trên 13 quận, huyện với 46.452 căn nhà trên và ven kênh rạch cần triển khai thực hiện, do đó, rất cần có đề án chung. Đồng thời, cần thành lập Tổ công tác do Chủ tịch UBND TPHCM làm Tổ trưởng và lãnh đạo 13 quận, huyện cùng tham gia.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi thống nhất việc thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ công tác trong tháng 11/2024 để triển khai đề án; có sự tham gia của đơn vị tư vấn lập đề án.
Theo đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi giao Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM chủ trì, phối hợp các Sở ngành, UBND TP Thủ Đức và UBND các quận, huyện có kênh rạch trên địa bàn thực hiện công tác điều tra xã hội học, thống kê các số liệu. Hạn chót đến cuối tháng 12/2024 phải thực hiện xong việc này.
Bên cạnh đó, giao UBND quận 8 làm thí điểm thực hiện các nội dung của đề án do quận đã có kinh nghiệm thực tiễn.
Giao Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì phối hợp Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên Môi trường và các địa phương đưa ra địa điểm để xây dựng nhà cũng như địa điểm khai thác quỹ đất. Sở Quy hoạch Kiến trúc yêu cầu các quận huyện gửi danh sách lên và thẩm định lại.
Sở Tài nguyên Môi trường cũng chủ trì, phối hợp xây dựng căn cứ pháp lý để thu hồi đất và chính sách liên quan đến đề án. Sở Xây dựng tính toán việc xây dựng nhà và chỉnh trang, cải tạo hệ thống kênh, rạch trên địa bàn TPHCM.