Chờ...

Gia Lai: TP Pleiku và 3 huyện tai nạn giao thông tăng đột biến

GIA LAI - Tính trong 9 tháng đầu năm 2024, tại tỉnh Gia Lai, TNGT tăng cả 3 mặt: số vụ, số người chết, số bị thương so với cùng kỳ năm 2023.

Ngày 11/10, Ban ATGT tỉnh Gia Lai  cho biết, 9 tháng đầu năm 2024 toàn tỉnh này xảy ra ra 375 vụ TNGT, làm 223 người chết, bị thương 259 người. So với cùng kỳ năm 2023, tăng 84 vụ, tăng 23 người chết và tăng 87 người bị thương. 

Một vụ TNGT xảy ra tại TP Pleiku.
Một vụ tai nạn giao thông xảy ra tại TP Pleiku - Ảnh minh họa

Có nhiều địa phương xảy ra TNGT tăng lên đáng lo ngại như huyện Mang Yang, Ia Pa, Chư Prông, Ia Grai và TP. Pleiku.

Trong 9 tháng qua, toàn huyện Mang Yang xảy ra 27 vụ TNGT, làm 12 người chết và 27 người bị thương. Tăng 14 vụ, tăng 2 người chết và tăng 21 người bị thương so với cùng kỳ năm ngoái.

TNGT trên địa bàn huyện Chư Prông cũng tăng đột biến trên cả 3 chỉ số. Trong đó, TNGT liên quan đến người dân tộc thiểu số là 17 vụ (tăng 9 vụ), làm 16 người chết (tăng 8 người chết), 4 người bị thương (giảm 1 người).

Đáng chú ý, TNGT xảy ra trên các tuyến quốc lộ chiếm tỷ lệ cao khi có 22 vụ, làm chết 18 người và làm 12 người bị thương.

Tại huyện Ia Grai, tình hình TNGT cũng diễn biến phức tạp. Trong 9 tháng năm 2024, toàn huyện xảy ra 16 vụ, 13 người chết, 14 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2023, tăng 7 vụ, tăng 8 người chết và tăng 6 người bị thương.

Theo Thường trực Ban ATGT huyện Mang Yang cho rằng, nguyên nhân gây tai nạn chủ yếu do người điều khiển phương tiện giao thông không chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ, giữ khoảng cách an toàn; lưu thông không đúng phần đường, điều khiển phương tiện vượt không đúng quy định...

Cùng với đó, công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của lực lượng CSGT trật tự, Công an xã, tổ tự quản ATGT chưa thường xuyên, vẫn còn tình trạng một số thanh - thiếu niên càn quấy, chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe nhưng vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Ông Phan Hữu Hiếu, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Gia Lai cho hay: "Theo kết quả báo cáo của Ban ATGT các địa phương, tình hình TNGT liên quan đến học sinh đang có chiều hướng gia tăng.

Do đó, ngoài việc thống kê phương thức đi lại của học sinh để có giải pháp quản lý phù hợp thì lực lượng công an toàn tỉnh cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT cho học sinh; đồng thời tuần tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về trật tự ATGT trong lứa tuổi học sinh.

Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền cá biệt, quản lý, giáo dục đối với các thanh - thiếu niên thường xuyên vi phạm trật tự ATGT ở cơ sở nhằm góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho nhóm đối tượng này".