Đáng chú ý, 16 điểm, tuyến đường có nguy cơ ùn tắc mới phát sinh, chẳng hạn như nút giao Cổ Linh - Đàm Quang Trung; đảo xuyến trên đường Cương Kiên; đường Trần Nhật Duật (cửa khẩu Chương Dương Độ); ngã tư Trần Phú - Thanh Bình - Phùng Hưng (cầu Trắng); ngã tư Phùng Hưng - Cầu Bươu - đường 19/5 (cầu Đen).
11 trục, tuyến đường lưu lượng phương tiện đông đúc khác cũng đối diện gnuy cơ ùn tắc như Nguyễn Trãi - Trần Phú (quận Hà Đông, Thanh Xuân); Láng (đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy); vành đai 3 trên cao, dưới thấp (đặc biệt là tại các lối lên, xuống); Tam Trinh; Lĩnh Nam; Thái Hà - Huỳnh Thúc Kháng; Cầu Giấy - Xuân Thủy - Hồ Tùng Mậu; Hoàng Hoa Thám.
Một số nguyên nhân dẫn đến ùn tắc được Sở Giao thông Vận tải chỉ ra là hệ thống kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư hoàn thiện theo quy hoạch, mật độ dân cư lớn, tốc độ tăng dân số cơ học cao.
Tốc độ gia tăng phương tiện giao thông cá nhân cao, khoảng 4-5% mỗi năm, cao gấp hơn 10 lần tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông (khoảng 0,35%/năm), làm cho mật độ giao thông trên nhiều tuyến đường, nút giao rất lớn.
Thống kê của TP Hà Nội, đến cuối năm 2024 địa bàn có khoảng hơn 9,2 triệu phương tiện (chưa bao gồm phương tiện của các cơ quan trung ương).
Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cùng lực lượng công an lập 144 chốt chống ùn tắc giao thông dịp Tết.
Tại 144 vị trí này, có 99 vị trí “chốt” thanh tra giao thông phối hợp với phòng cảnh sát giao thông thực hiện; 45 vị trí phối hợp với công an quận, huyện thực hiện.
Thời gian duy trì các vị trí chốt trực này từ nay đến hết quý I/2025, khung giờ làm nhiệm vụ sáng từ 6h30 đến 8h30, chiều từ 16h30 đến 19h.