Trong một tuần, các tài xế này cũng không được lái xe quá 48 giờ.
Tại nghị định 168/2024, nhà chức trách quy định nhóm tài xế nói trên nếu lái xe quá thời gian quy định, hoặc không thực hiện đúng quy định về thời gian nghỉ giữa 2 lần lái xe liên tục sẽ bị phạt tiền 3-5 triệu đồng. Hình phạt bổ sung là trừ 2 điểm giấy phép lái xe.
Ngoài ra, chủ xe để cho tài xế của mình lái xe ô tô liên tục quá thời gian quy định, cũng sẽ bị xử phạt 4-6 triệu đồng đối với cá nhân và 8-12 triệu đồng đối với tổ chức.
Trong trường hợp chủ phương tiện là người trực tiếp điều khiển phương tiện còn bị trừ điểm giấy phép lái xe 2 điểm.
Tho đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết quy định về thời gian lái xe trên được kế thừa từ Luật Giao thông đường bộ trước đây và bảo đảm các quy định có liên quan của Bộ luật Lao động.
Theo quy định Bộ luật Lao động 2019, thời gian làm việc bình thường của người lao động tại Việt Nam không quá 8 giờ trong một ngày và 48 giờ trong một tuần. Việc quy định lái xe không quá 48 giờ mỗi tuần cũng phù hợp theo Công ước Vienna về giao thông đường bộ.
Sau 4 tiếng lái xe liên tục, người lái xe có thể nghỉ ngơi. Sau khoảng 15 phút, họ được phép lái xe tiếp tục hành trình. Mục tiêu cao nhất là giúp người lái xe được tỉnh táo, không bị mệt mỏi dễ dẫn đến nguy cơ gây mất an toàn.
Quy định thời gian lái xe, nghỉ ngơi của tài xế còn là biện pháp bảo đảm an toàn sức khỏe cho người lái xe, góp phần giảm thiểu rủi ro tai nạn khi tham gia giao thông.
Bị kẹt đường dẫn đến lái xe quá 4 tiếng thì sao?
Đại diện Cục CSGT cho biết trong các tình huống bất khả kháng, tài xế gặp kẹt xe trong thành phố hoặc điểm dừng xe nghỉ ngơi không đảm bảo, họ có thể tiếp tục hành trình để thoát khỏi khu vực đó.
"Khi xem xét các tình huống, cảnh sát giao thông sẽ tính toán thêm các yếu tố liên quan, không chỉ tập trung vào xử phạt. Tuy nhiên, người lái xe sau khi thoát khỏi khu vực bất khả kháng, cần thực hiện ngay việc nghỉ ngơi, tránh lạm dụng để cố lái xe", đại diện Cục CSGT nói.