Luật Đường bộ 2024 quy định Nhà nước thu phí sử dụng đường cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, trong đó có đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo hình thức đầu tư công; đường cao tốc được đầu tư theo các hình thức khác khi kết thúc hợp đồng, chuyển giao cho Nhà nước.
Mức phí sử dụng đường cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác thuộc phạm vi quản lý của Bộ GTVT được đề xuất 2 mức cụ thể:
- Mức phí đối với đường cao tốc có 4 làn xe, có làn dừng khẩn cấp liên tục (mức 1) từ 1.300 - 5.200 đồng/km tùy từng nhóm xe.
- Mức phí đối với đường cao tốc 4 làn xe, không có làn dừng khẩn cấp chạy liên tục (mức 2 ) từ 900 - 3.600 đồng/km tùy từng nhóm xe.
Theo tính toán của Bộ GTVT, kết quả lượng hóa chi phí vận hành, chi phí thời gian cho thấy, so với lưu thông trên quốc lộ song hành, phương tiện lưu thông trên cao tốc sẽ được lợi bình quân 4.824 đồng/xe/km. Trong đó 25% từ tiết kiệm chi phí vận hành phương tiện và 75% từ tiết kiệm thời gian hàng hóa và hành khách trên đường.
Loại phương tiện thu được lợi ích lớn nhất là xe khách từ 30 ghế trở lên với bình quân 14.132 đồng/xe/km, phương tiện thu được lợi ích thấp nhất là xe tải dưới 2 tấn với lợi ích bình quân là 1.174 đồng/km.
Liên quan đến các dự án BOT, Bộ GTVT lý giải, trong số 10 dự án cao tốc nhà nước đầu tư trước năm 2020, có thể xem xét thực hiện thu phí, có 3 đoạn tuyến có quốc lộ song hành là dự án BOT thu phí.
Trước ý kiến lo ngại thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư là “phí trùng phí”, Bộ GTVT cho biết, đường cao tốc đem lại lợi ích cho người tham gia giao thông cao hơn so với quốc lộ song hành.
Người tham gia giao thông có quyền lựa chọn di chuyển trên quốc lộ hoặc trả tiền sử dụng đường cao tốc để hưởng chất lượng dịch vụ và lợi ích cao hơn.
Việc thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ tạo nguồn thu góp phần tạo nguồn kinh phí để đầu tư phát triển hệ thống đường cao tốc; chi thực hiện công tác quản lý, bảo trì.