Lý do nhiều đoàn tàu trật bánh ở ga Lăng Cô

VOH - Qua kiểm tra cho thấy, chất lượng cầu đường đảm bảo đúng theo tiêu chuẩn kỹ thuật.

Ngày 10/9, lãnh đạo Công ty Cổ phần đường sắt Bình Trị Thiên cho biết, sau các sự cố tàu trật ray khi qua khu vực ga Lăng Cô (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế), Tổng Công ty đường sắt Việt Nam tổ chức kiểm tra, phân tích, đánh giá nguyên nhân.

Qua kiểm tra cho thấy, chất lượng cầu đường đảm bảo đúng theo tiêu chuẩn kỹ thuật. Nguyên nhân tàu trật bánh khỏi đường ray do toa xe có lò xo không khí, khi đi qua ghi có tang lớn (Tg 0,15) sẽ cộng hưởng nhiều yếu tố bất lợi (của chủng loại toa xe giá chuyển hướng có cự ly trục bánh xe lớn 2.200mm).

Đoàn tàu chạy qua ở tốc độ thấp, thời gian lực dẫn hướng tăng kéo dài dẫn đến bánh xe dẫn hướng bám má tác dụng leo ray gây trật bánh.

tau-se2-trat-banh-khi-di-qua-hue-2-17231020287941118041131-0-200-1125-2000-crop-17231021551661696204583
Ảnh minh họa: TTO

Lãnh đạo Công ty Cổ phần đường sắt Bình Trị Thiên cho biết, để đảm bảo an toàn chạy tàu trong thời gian tới qua vị trí trên đơn vị kiến nghị không tác nghiệp chạy tàu, dồn dịch các đoàn tàu khách có toa xe lò xo không khí (có cự ly trục bánh xe lớn) qua hướng rẽ của ghi Tg 0,15 (Ghi N10 ga Lăng Cô). Đồng thời, bố trí vốn sửa chữa, thay thế các bộ ghi Tg 0,15.

Thời gian qua đã có 2 vụ tàu trật ray ở vị trí gần khu vực ga Lăng Cô. Gần đây nhất, khoảng 15 giờ 17 ngày 31/8, đoàn tàu khách SE2 chạy tuyến TPHCM - Hà Nội, khi đang đi chậm vào ga Lăng Cô, một toa bị trật bánh khỏi đường ray. Sự cố không gây thiệt hại về người, giao thông bị gián đoạn trong một khoảng thời ngắn.

Trước đó, khoảng 14 giờ ngày 28/7, tàu SE11 trên đường từ Hà Nội vào TPHCM, khi di chuyển khu vực nói trên cũng bị trật bánh 2 toa 11725, 31591. Lúc này tàu đang đi với tốc độ chậm, vào cua ở một đoạn đường ray có sự chênh lệch cao thấp giữa hai khớp nối dẫn đến việc toa tàu trật bánh.

Bình luận