Chờ...

Mở rộng 4 tuyến đường cửa ngõ Tây Bắc TPHCM

VOH - Đường Trường Chinh, Tân Kỳ Tân Quý, Nguyễn Văn Bứa, Quốc lộ 22  sẽ mở rộng lên gấp 2 - 5 lần giúp giảm kẹt xe tại cửa ngõ Tây Bắc TPHCM.

Đường Trường Chinh

Đoạn đường Trường Chinh từ Cộng Hòa đến Âu Cơ tạo nút thắt cổ chai gây kẹt xe cửa ngõ Tây Bắc.
Đoạn đường Trường Chinh từ Cộng Hòa đến Âu Cơ tạo nút thắt cổ chai gây kẹt xe cửa ngõ Tây Bắc.

Đường Trường Chinh, quận Tân Bình là cửa ngõ trục chính phía Tây Bắc ra vào trung tâm TPHCM. Trong khi đoạn từ nút giao An Sương đến đường Cộng Hòa rộng 10 làn xe, thì đoạn từ đường Cộng Hòa đến Âu Cơ mặt đường bóp lại còn 4 làn xe nên tạo nút “thắt cổ chai” gây kẹt xe.

Do đó, sở Giao thông vận tải TPHCM đã đề xuất chi ngân sách khoảng 3.750 tỉ đồng mở rộng đoạn đường này.

Đường Trường Chinh (đoạn từ đường Cộng Hòa đến đường Âu Cơ) dài 765m sẽ được mở rộng từ 10-12m lên 30m cho 6 làn xe lưu thông. Dự án đề xuất triển khai giai đoạn 2024 - 2028.

Đường Tân Kỳ Tân Quý

Đường Tân Kỳ Tân Quý là một trong tuyến huyết mạch ở cửa ngõ Tây Bắc, kết nối các huyện Hóc Môn, quận Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình với sân bay Tân Sơn Nhất và khu nội đô thành phố. Tuyến đường hiện rộng 8-10m, thường xuyên ùn ứ do lưu lượng xe qua đây đông đúc.

Hiện đoạn từ đường Bình Long đến đường Mã Lò với tổng chiều dài gần 2km đang được mở rộng lên 30m có tổng mức đầu tư khoảng 1.232 tỉ đồng. Dự án đang được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành cuối năm 2024.

Ngoài đoạn này, Sở GTVT TPHCM đang lên kế hoạch mở rộng các đoạn còn lại của đường Tân Kỳ Tân Quý.

Trong đó, mở rộng đoạn từ đường Cộng Hòa đến đường Lê Trọng Tấn dài 636m lên 30m cho 6 làn xe với tổng vốn 1.345 tỉ đồng, triển khai giai đoạn 2024 - 2027.

Đoạn từ đường Bình Long đến Lê Trọng Tấn mở rộng lên 30m với tổng vốn khoảng 4.100 tỉ đồng, triển khai giai đoạn 2024 - 2028.

Đường Nguyễn Văn Bứa

Đường Nguyễn Văn Bứa, huyện Hóc Môn là tuyến trục chính cửa ngõ nối TPHCM với tỉnh Long An nhưng mặt đường hẹp chỉ 11 - 14m nên kẹt xe triền miên.

Sở GTVT TPHCM đang kiến nghị UBND TPHCM bố trí vốn để mở rộng đường Nguyễn Văn Bứa đoạn từ Ngã Ba Giồng đến cầu Tỉnh lộ 9 và xây dựng cầu Lớn.

Theo đó, đoạn đường Nguyễn Văn Bứa sẽ được mở rộng lên từ 32 - 40m. Đồng thời, xây dựng mới một đơn nguyên cầu Lớn và cầu Tỉnh lộ 9, mỗi cầu dài 58m, rộng 17,5m. Ngoài ra, mở rộng cầu Tỉnh lộ 9 hiện hữu.

Tổng mức đầu tư dự án hơn 2.421 tỉ đồng bằng vốn ngân sách TPHCM, triển khai giai đoạn 2024 - 2028.

Quốc lộ 22

Quốc lộ 22 nằm ở cửa ngõ Tây Bắc và là tuyến quốc lộ duy nhất nối TPHCM với cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh là cửa ngõ quốc tế tới các nước hướng Tây Nam. Tuy nhiên, tuyến đường này mỗi bên chỉ có 2 làn ôtô và 1 làn xe máy. Những năm gần đây, vận chuyển hàng hóa từ khu vực TPHCM và tỉnh Tây Ninh tăng nhanh dẫn đến ùn tắc và gia tăng tai nạn giao thông.

Sau khi Nghị quyết 98 của Quốc hội cho phép thành phố áp dụng hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) với các công trình nâng cấp đường hiện hữu, HĐND TPHCM thông qua chủ trương mở rộng Quốc lộ 22 dài 9,1km theo hình thức này.

Quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến Vành đai 3 TPHCM) sẽ được mở rộng lên 60m đáp ứng 8 làn xe. Trên tuyến xây dựng một số cầu vượt tại nút giao Nguyễn Ảnh Thủ, nút giao Nguyễn Văn Bứa…

Tổng mức đầu tư dự án hơn 7.100 tỉ đồng, trong đó chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng khoảng 2.409 tỉ đồng. Ngân sách TPHCM sẽ tham gia dự án với tỉ lệ 50%, còn lại do nhà đầu tư thu xếp để thi công phần xây lắp.

Công trình dự kiến khởi công vào cuối năm 2025 hoặc đầu năm 2026, hoàn thành sau 3 năm.