Tiêu điểm: Nhân Humanity

Nên chăng tổ chức cấp chứng chỉ lái xe cho trẻ 16-18 tuổi?

VOH - Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Trần Hữu Minh đề xuất trẻ 16-18 tuổi được cấp chứng chỉ lái xe để hiểu biết quy tắc giao thông và có kỹ năng lái xe.

Ngày 4/11, phát biển tại hội thảo An toàn giao thông xe máy , ông Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho biết so với các nước đây là tỉ lệ thuộc loại cao nhất, xe máy vẫn là phương tiện đi lại của số đông người dân Việt Nam, chiếm 85-90% lưu lượng phương tiện trên đường và liên quan tới 60-70% số vụ tai nạn.

Cần thiết có quy định về chứng chỉ điều khiển phương tiện giao thông để tăng tính an toàn cho trẻ từ 16 đến dưới 18 tuổi khi tham gia giao thông
Có cần thiết có quy định về chứng chỉ điều khiển phương tiện giao thông cho trẻ từ 16 đến dưới 18 tuổi khi tham gia giao thông?

Trong đó, hiện tượng trẻ dưới 16 tuổi điều khiển xe hai bánh gặp tai nạn giao thông đang diễn biến phức tạp.

Ông Minh cho rằng nhóm thanh thiếu niên 16-18 tuổi được điều khiển xe máy dung tích dưới 50cc một cách hợp pháp, trong khi nhóm này vẫn thiếu kiến thức và thiếu kỹ năng điều khiển.

Luật Trật tự, an toàn giao thông yêu cầu nhóm trẻ này phải hiểu biết quy tắc giao thông đường bộ, có kỹ năng điều khiển phương tiện; đủ điều kiện về độ tuổi, sức khỏe. Tuy nhiên, thế nào là hiểu biết quy tắc giao thông đường bộ và có kỹ năng điều khiển xe còn đang bỏ ngỏ.

Theo ông Minh, thanh thiếu niên khi tham gia giao thông cần các kỹ năng không quá phức tạp như tốc độ, quan sát khi chuyển hướng, tránh điểm mù của xe khách, xe tải. Nội dung này có thể được các trường học giảng dạy trong 1-2 ngày hoặc phụ huynh dạy trẻ lý thuyết và thực hành kỹ năng lái xe.

Để học sinh hiểu biết quy tắc giao thông và có kỹ năng lái xe, ông Minh đề xuất nhóm trẻ từ 16 - 18 tuổi được kiểm tra lý thuyết và cấp chứng chỉ giấy phép lái xe.

Nhà trường có thể kết hợp với cơ quan cảnh sát giao thông, cơ sở đào tạo tổ chức thi. Cơ quan chức năng có thể ban hành tài liệu hướng dẫn cơ bản để gia đình tham khảo, hướng dẫn trẻ và nhà trường tổ chức thi.

"Nội dung thi và việc cấp chứng chỉ nhằm nâng cao hiểu biết an toàn giao thông, không được gây khó dễ cho học sinh và gia đình", ông Minh nói.

TS Phan Lê Bình, chuyên gia JICA, giảng viên Trường Đại học Việt Nhật cho rằng “có giấy phép lái xe, hoặc chứng chỉ điều khiển phương tiện thì tốt hơn vì có còn hơn không”.

Ông Bình phân tích: Xe có dung tích dưới 50cc có thể không đạt được tốc độ thật cao nhưng cũng có thể đạt tốc độ 40-50km/h. Với tốc độ đó nếu va chạm giao thông cũng có thể gây thương tích nghiêm trọng, thậm chí tử vong.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Quyền lại cho rằng, nên quy định như dự thảo Luật. Bởi quy định hiện hành đã quy định các trường THPT đưa vào chương trình giảng dạy về vấn đề an toàn giao thông.

Do đó nên lồng ghép vào chương trình giáo dục phổ thông như học sinh từ lớp 6 trở lên phải học chương trình về an toàn giao thông. Đến 16 tuổi thì các cháu đủ điều kiện điều khiển phương tiện dưới 50cc. Nếu bây giờ thêm chứng chỉ, thi sát hạch lại phát sinh thêm thủ tục và quản lý hành chính, bởi sẽ có thêm nhiều khâu, vì sát hạch còn liên quan đến sức khoẻ, chiều cao, cân nặng, và thêm nhiều khâu đi kèm theo.

Quy định người lái xe máy điện, xe gắn máy dưới 50cc phải qua sát hạch để cấp bằng lái xe từng được đưa vào dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi.

Quốc hội sau đó quyết định tách Luật Giao thông đường bộ thành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Cả hai bộ luật được ban hành đều không có nội dung quy định cấp bằng hay sát hạch người lái xe máy dưới 50cc.

 

Bình luận