Ngoài đường bộ và đường sắt, Sở Giao thông vận tải TPHCM mới đây đưa ra ba phương án kết nối bằng đường thủy từ TPHCM đến sân bay Long Thành.
Đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành
Dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành có điểm đầu là ga Thủ Thiêm, phường An Phú, TP Thủ Đức, TPHCM, điểm cuối là sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Tuyến đường sắt này phần lớn chạy song song với cao tốc TPHCM - Long Thành với tổng chiều dài tuyến là 37,35 km, trong đó đoạn qua TPHCM 11,8 km, qua Đồng Nai 25,55 km.
Dự kiến, tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành có 20 ga, bao gồm ga trong sân bay Long Thành. Depot bố trí phía đông sân bay Long Thành, tại xã Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai).
Tuyến đường sắt này chủ yếu phục vụ vận tải hành khách giữa trung tâm TPHCM với sân bay quốc tế Long Thành, tốc độ vận tốc tối đa 80 km/giờ, vận tốc khai thác 60 km/giờ.
Tính toán ban đầu, tổng mức đầu tư của dự án dự kiến khoảng 40.500 tỉ đồng, lộ trình đầu tư trong giai đoạn đến năm 2030.
3 phương án kết nối bằng đường thủy
Phương án 1 là hình thành tuyến vận tải chở khách trực tiếp bằng tàu cao tốc từ bến Bạch Đằng (Quận 1) đến bến du thuyền SwanBay ở Nhơn Trạch (Đồng Nai). Tuyến này dài hơn 22 km, chạy mất 35-45 phút. Từ khu vực SwanBay, khách có thể tới sân bay Long Thành theo các trục đường bộ có sẵn.
Phương án 2 là TPHCM và Đồng Nai sẽ nâng cấp hai đầu bến Phú Xuân - Phước Khánh trên sông Soài Rạp, để tăng kết nối từ khu vực Nhà Bè sang huyện Nhơn Trạch. Sau khi qua sông, khách có thể theo tuyến Phạm Thái Bường, ĐT.769D (25C) đến sân bay Long Thành với cự ly gần 25 km, thời gian di chuyển 40-45 phút.
Phương án cuối cùng là tăng công suất khai thác ở bến phà Cát Lái, nối TP Thủ Đức qua huyện Nhơn Trạch. Cách này sẽ giúp người dân ở phía đông TPHCM dễ đến sân bay Long Thành trong lúc chờ cầu Cát Lái được xây dựng.