Chờ...

Phượt thủ vượt 12.000km qua ba nước: Việt Nam, Lào, Trung Quốc

VOH - Anh Nguyễn Ngọc Trung đã thử thách bản thân bằng cách chạy xe mô tô từ Việt Nam qua Lào rồi tới Trung Quốc sau đó quay trở lại Lào, rồi về Việt Nam mất 30 ngày.

Theo báo Lao Động, để đi 1 tháng, anh đã chuẩn bị cho chuyến đi tới 3 tháng. Anh Trung nhấn mạnh, kỹ năng lái xe ở Trung Quốc được anh đầu tư thời gian hơn cả. Anh cẩn thận chăm sóc chiếc xe yêu quý, và đã mang theo bộ đồ nghề bơm vá xe và một bộ dụng cụ sửa chữa.

Phượt thủ qua cửa khẩu quốc tế Boten ở Luang Namtha, tỉnh biên giới của Lào giáp với Trung Quốc. Ảnh Nhân vật cung cấp
Phượt thủ qua cửa khẩu quốc tế Boten ở Luang Namtha, tỉnh biên giới của Lào giáp với Trung Quốc. Ảnh: Nhân vật cung cấp/ Lao Động

Hành trang của anh Trung bao gồm quần áo bảo hộ phù hợp cho thời tiết nóng, lạnh và những loại thuốc cơ bản như: Thuốc chống say độ cao để đảm bảo cho những ngày chạy xe trên độ cao hơn 5.000m so với mực nước biển, thuốc tiêu hóa tốt cho việc nạp năng lượng và nước bù điện giải bổ sung liên tục sau mỗi một tiếng chạy xe.

Khó khăn lớn nhất trong chặng đường 12.000km của anh Trung có lẽ là khi chạy xe trên đoạn đường thuộc cao tốc G109 nối từ Bắc Kinh tới Lhasa. Đây là chặng đường khó nhằn nhất hành trình, dài tới 800km. Anh gặp phải cơn mưa đá rơi ào ào trong khoảng 45 phút liên tục.

“Vì Trung Quốc không đồng ý sử dụng bằng lái quốc tế nên tôi đã phải đến cơ quan cảnh sát của nước bạn để học và lấy bằng lái xe tạm thời. Theo như quy định của họ, tôi không cần thi sau đó và họ sẽ cấp theo bằng lái xe tương tự của Việt Nam trong thời hạn xin visa của tôi”, Anh chia sẻ.

Mỗi ngày, anh chạy 400 - 500km đúng theo kế hoạch đặt ra ban đầu. Ba ngày cuối, để đáp ứng đúng thời hạn visa, anh chạy xe liên tục 1.100km, 650km và 700km.

“Sáng sớm ngày rời khỏi Trùng Khánh, nhiệt độ ngoài trời từ 26 độ C bất ngờ tăng lên 34 độ C trong vòng quãng đường chỉ 1km, rồi hạ xuống và tăng lên nhanh chóng. Quả thật, lúc đó, cơ thể tôi rất khó chịu, tuy nhiên tôi đã chuẩn bị tinh thần từ trước”, anh Trung nói.

Cảnh đẹp trên đường, đối với anh Trung, nhiều vô kể; vì thế, ở mỗi địa điểm, anh thường dành 1 tiếng để ngắm nhìn và chụp hình lưu niệm. Tuy nhiên, ở một số điểm nổi tiếng, anh thậm chí dành 1 - 2 ngày nán lại để tìm hiểu văn hóa và tận hưởng cảnh đẹp.

Ngọc Trung ở Cửu Trại Câu, Tứ Xuyên, Trung Quốc. Ảnh Nhân vật cung cấp
Anh Trung ở Cửu Trại Câu, Tứ Xuyên, Trung Quốc - Ảnh Nhân vật cung cấp/ Lao Động

Anh chia sẻ: “Tôi đi qua sa mạc Đôn Hoàng, phía Tây tỉnh Cam Túc vào ngày thứ 15 của hành trình và đã nghỉ một đêm tại đây. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi được trải nghiệm sa mạc. Quả thật, tôi vô cùng bất ngờ về không gian mênh mông ngút ngàn khi tới thăm địa điểm tham quan này. Đối với tôi, lái xe ATV 4 bánh vào sa mạc hướng ra mép hồ muối hay len lỏi trong những động đá, chạy xe trên cát là một trải nghiệm không bao giờ quên”.

Trong chuyến đi này, mục tiêu số 1 cần đạt được của anh Trung chắc hẳn là chinh phục Everest Base Camp (EBC), điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình chinh phục đỉnh Everest, tọa lạc tại trại nền phía Bắc với độ cao 5.150m ở Tây Tạng, Trung Quốc.

Trước khi vào điểm này, anh Trung bồi hồi lắm, lo lắng vì độ cao tăng dần và oxy loãng dễ làm cơ thể mỏi mệt, thậm chí có nguy cơ bị ngất. Trải qua một quãng đường dài, chinh phục thành công EBC, anh chỉ có thể miêu tả bản thân đã trải qua hàng trăm cảm xúc khác nhau trong một ngày, nhưng cũng rất tự hào vì đã đạt mục tiêu ban đầu.

Tổng chi phí trong 30 ngày đi phượt của anh Trung tốn khoảng 200 - 230 triệu đồng.