Thời gian gần đây, đường 24 đoạn cầu Rạch Lùng (nối phường Linh Đông và phường Tam Bình, TP.Thủ Đức) có nhiều xe ôtô lưu thông qua lại dù có biển báo cấm.
Vụ việc khiến người dân lưu thông qua khu vực vô cùng bức xúc. Nguyên nhân xảy ra tình trạng trên là do biển cấm xe ôtô ở hai bên đầu cầu đã bị bôi xịt sơn đen che mất nội dung thông tin của các biển báo.
Cầu Rạch Lùng có diện tích nhỏ hẹp, mỗi ngày có nhiều lượt xe lưu thông qua lại khu vực. Do đó, nếu xe ôtô chạy qua cầu sẽ gây ra tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng.
Biển báo giao thông có thể được hiểu là các biển báo, biển hiệu được đặt trên đường, có chứa các loại thông tin để biểu thị, truyền đạt đến người tham gia giao thông, giúp họ có thể chấp hành giao thông một cách an toàn và chính xác nhất.
Việc tẩy xóa, xịt sơn đen làm mất tác dụng của biển báo chính là hành vi vi phạm pháp luật, phá hoại tài sản Nhà nước.
Điều 17 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình. Theo đó, hành vi phá hủy biển báo giao thông sẽ bị xử phạt hành chính từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng.
Ngoài ra nếu như biển báo ấy thuộc công trình giao thông vận tải quan trọng về an ninh quốc gia và đủ yếu tố cấu thành “Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia” thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù nặng nhất lên đến 12 năm.
Ngoài ra, hành vi tự ý xê dịch biển báo giao thông được coi như hành vi tự ý xê dịch các loại biển báo, biển chỉ dẫn, biển hiệu của cơ quan, tổ chức sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Nghiêm trọng hơn, trong trường hợp biển báo bị vẽ xóa, khiến tài xế đi sai biển báo giao thông, xảy ra tai nạn giao thông, thì người thực hiện hành vi bôi, xóa biển báo có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cản trở giao thông đường bộ.