Theo Tuổi Trẻ Online, ngày 7/1, trong buổi giao lưu trực tuyến do báo tổ chức có chủ đề "Những điều cần biết về tăng mạnh mức xử phạt vi phạm giao thông theo nghị định 168", đại tá Nguyễn Quang Nhật - trưởng Phòng hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông - Cục CSGT, Bộ Công an cho biết, trên mạng xã hội lan truyền cho rằng cảnh sát giao thông được trích lại 85% tiền xử phạt vi phạm giao thông, ông Nhật khẳng định đây là thông tin không chính xác.
Hiện nay, Luật Trật tự an toàn giao thông và quy định liên quan không quy định nội dung này.
Chính phủ cũng vừa ban hành nghị định 176/2024 quy định quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách nhà nước. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Nghị định này quy định cơ quan được sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách nhà nước: Bộ Công an; UBND tỉnh, thành phố và các cơ quan khác tại địa phương ngoài Bộ Công an tham gia công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Cùng thời điểm lập dự toán ngân sách nhà nước hằng năm, căn cứ vào tiến độ thực hiện, nhu cầu kinh phí, Bộ Công an xây dựng dự toán tương ứng với số tiền thu từ xử phạt và 30% số tiền thu từ đấu giá biển số xe năm trước liền kề đã nộp vào ngân sách nhà nước.
Sau đó, gửi cơ quan có liên quan tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí theo quy định của pháp luật.
Trong đó, đối với kinh phí thu từ xử phạt, Bộ Công an đề xuất phương án bố trí kinh phí cho Bộ Công an và các địa phương. Đồng thời tổng hợp cùng báo cáo dự toán ngân sách nhà nước hằng năm của Bộ Công an để gửi cơ quan có liên quan tổng hợp theo quy định.
Về nội dung chi, Bộ Công an được chi cho đầu tư, mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ bảo đảm an toàn giao thông; xây dựng, vận hành, đảm bảo an toàn hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu; xây dựng công trình, trung tâm thông tin chỉ huy, nơi tạm giữ phương tiện…
Tiếp đó là chi cho mua xăng dầu, nhiên liệu khác phục vụ công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông; phục vụ điều tra giải quyết tai nạn giao thông; giải quyết ùn tắc, khắc phục hậu quả tai nạn giao thông; vận hành đường dây nóng; khen thưởng, ứng dụng công nghệ; bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ...
Mức chi hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông của một vụ việc không quá 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính, tối đa 5 triệu đồng/vụ việc.
Về nội dung này, hiện đã cơ chế hướng dẫn thanh toán cho người tố giác vi phạm giao thông, đang được các cơ quan chức năng của Bộ Công an, Bộ Tài chính… xây dựng và sẽ sớm được đưa vào thi hành.