Theo báo cáo từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, từ năm 2015 đến 2023, Nhà nước đã bố trí hơn 1.624 tỷ đồng để nâng cấp, cải tạo và sửa chữa 993 đường ngang trên toàn quốc.
Trong số đó, 226 đường ngang đã được thi công và đưa vào sử dụng, chủ yếu thuộc các dự án sửa chữa vi phạm điều lệ đường ngang và nâng cấp biển báo thành hệ thống cảnh báo tự động, bổ sung cần chắn. Đặc biệt, 402 đường ngang được nâng cấp lắp cần chắn tự động, góp phần cải thiện an toàn giao thông.
Ngoài ra, từ năm 2014 đến 2020, hơn 23,9 tỷ đồng đã được đầu tư để hoàn thiện 2 đường ngang và 11 đoạn đường gom, rào cách ly, với tổng chiều dài 5,1km. Nỗ lực này đã xoá bỏ 151 đường dân sinh, giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn tại các điểm giao cắt nguy hiểm.
Tính đến nay, các công trình đã hoàn thành và đưa vào khai thác, đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) và phát huy hiệu quả vốn đầu tư. Tuy nhiên, việc triển khai kế hoạch vẫn đối mặt nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu nguồn vốn để thực hiện các dự án khác thuộc Kế hoạch 994, như xây dựng cầu vượt và xử lý lối đi tự mở. Tình trạng này tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao tại 3.279 lối đi tự mở chưa được xoá bỏ.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, các dự án ATGT khác chưa nhận được vốn đầu tư đầy đủ, khiến nhiều công trình chậm tiến độ, kéo dài thời gian hoàn thành.
Cục Đường sắt Việt Nam cũng cho biết, một phần nguyên nhân chậm trễ là do nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc quản lý hành lang ATGT đường sắt, dẫn đến việc một số công trình vẫn còn tồn đọng, chưa xử lý dứt điểm.
Trong bối cảnh này, Bộ Giao thông Vận tải đang đề xuất bổ sung vốn từ ngân sách trung ương để đảm bảo triển khai đúng tiến độ các hạng mục còn lại, trong đó có mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở vào năm 2025 theo Đề án 358.