TPHCM mở rộng Quốc lộ 22 lên 60 mét, có 10 làn xe theo 3 phương án

TPHCM - Quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến  đường Vành đai 3) dài 8,7 km qua Quận 12 và huyện Hóc Môn sẽ được mở rộng lên 60m với 10 làn xe, tổng vốn 8.400 tỉ đồng.

Quốc lộ 22 là 1 trong 5 dự án trọng điểm nâng cấp và mở rộng đường hiện hữu theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), được TPHCM triển khai nhờ cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98.

Quốc lộ 22 hiện nay chỉ rộng từ 36-40m, với 2 làn ôtô và 1 làn xe máy mỗi bên sẽ được mở rộng lên 60m, 10 làn xe.
Quốc lộ 22 hiện nay chỉ rộng từ 36-40m, với 2 làn ôtô và 1 làn xe máy mỗi bên theo phương án 1 sẽ được mở rộng lên 60m, 10 làn xe.

Quốc lộ 22 cũng là tuyến đường cửa ngõ Tây Bắc duy nhất kết nối TPHCM với cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh), đóng vai trò quan trọng trong giao thương với các nước ASEAN.

Hiện nay, tuyến đường chỉ rộng từ 36-40m, với 2 làn ôtô và 1 làn xe máy mỗi bên, không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển ngày càng tăng, dẫn đến ùn tắc và tai nạn giao thông gia tăng.

Theo báo cáo đầu kỳ nghiên cứu tiền khả thi dự án, đoạn Quốc lộ 22 dài 8,7 km, điểm đầu tại nút giao An Sương (Quận 12) và điểm cuối tại Vành đai 3 TPHCM (huyện Hóc Môn) được nghiên cứu 3 phương án mở rộng với quy mô mặt cắt ngang 60m và 10 làn xe.

Hướng tuyến mở rộng Quốc lộ 22 qua TPHCM. Ảnh Sở GTVT TPHCM
Hướng tuyến mở rộng Quốc lộ 22 qua TPHCM - Ảnh: Sở GTVT TPHCM

Phương án 1 (khoảng 8.400 tỉ đồng): Mở rộng đường lên 60m với 10 làn xe, giao cắt khác mức bằng cầu vượt. Ưu điểm là thi công dễ dàng, thời gian thực hiện nhanh, chi phí xây dựng thấp nhất (2.571 tỉ đồng). Nhược điểm là mật độ cầu vượt dày (1km/1 cầu) làm ảnh hưởng đến cảnh quan kiến trúc đô thị và gây bất tiện cho lưu thông.

Phương án 2 (khoảng 10.000 tỉ đồng): Mở rộng đường tương tự nhưng giao cắt khác mức bằng hầm chui. Ưu điểm là giảm tác động đến cảnh quan và tiếng ồn, đảm bảo mỹ quan đô thị. Nhược điểm, hầm chui dày (1km/1 hầm) vẫn gây không êm thuận khi lưu thông, đồng thời chi phí xây dựng cao hơn phương án 1 (3.978 tỉ đồng), kèm theo chi phí khai thác và vận hành lớn.

Phương án 3 (khoảng 11.871 tỉ đồng): Kết hợp 6 làn xe mặt đất và 4 làn xe trên cao. Ưu điểm là lưu thông êm thuận nhất, có dải xanh rộng 14m, thuận tiện thi công metro đi nổi trong tương lai và khả năng mở rộng thêm 2 làn xe. Nhược điểm là tiếng ồn ảnh hưởng đến nhà dân, chi phí xây dựng cao nhất trong ba phương án (5.494 tỉ đồng).

Sau khi xem xét, đơn vị tư vấn đề xuất chọn phương án 1 nhờ chi phí thấp và thời gian thực hiện nhanh.

Trong tổng mức đầu tư dự án, chi phí giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kĩ thuật khoảng 5.269 tỉ đồng. Dự án sẽ cần thu hồi khoảng 18,5 ha đất, trong đó Quận 12 chỉ chiếm 0,4 ha, phần lớn tập trung tại huyện Hóc Môn với 18,1 ha.

Tại Quận 12 có 120 hộ giải tỏa một phần, còn huyện Hóc Môn có 1.162 hộ giải tỏa một phần và 311 hộ giải tỏa toàn phần.

Nguồn vốn thực hiện dự án được đề xuất gồm 3.541 tỉ đồng (khoảng 40,19%) huy động theo hình thức BOT và 5.269 tỉ đồng từ ngân sách TPHCM (chiếm 51,89%).

TPHCM dự kiến hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi vào cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025, sau đó chọn nhà đầu tư để triển khai từ năm 2025 đến năm 2028.

Bình luận