Từ 1/1/2025, đi xe đạp vi phạm nồng độ cồn bị phạt đến 600.000 đồng

VOH - Từ 1/1/2025, mức phạt vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển ôtô, môtô, xe máy chuyên dùng, xe đạp có sự thay đổi.

Nghị định số 168/2024/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm GPLX sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/1/2025. Nghị định này sẽ thay thế cho Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/NĐ-CP).

Người đi xe đạp vi phạm nồng độ cồn cũng được tăng mức phạt.
Người đi xe đạp vi phạm nồng độ cồn cũng được tăng mức phạt. - Ảnh minh họa

Nghị định 168 có nhiều điều chỉnh đáng chú ý về mức phạt. Riêng về vi phạm nồng độ cồn, quy định tại Nghị định 168 cũng có sự thay đổi. Cụ thể

Đối với ôtô, như sau:

Chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt từ 6 triệu đồng - 8 triệu đồng như tại Nghị định 100. Tuy nhiên có sự thay đổi là tài xế sẽ bị trừ 4 điểm trong giấy phép lái xe thay vì tước bằng ngay tại thời điểm vi phạm.

Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở có mức phạt mới là 18 triệu đồng - 20 triệu đồng (tăng 2 triệu đồng). Ngoài ra, tài xế bị trừ 10 điểm trong GPLX (thay vì bị tước bằng 16 - 18 tháng như Nghị định 100).

Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở thì người vi phạm sẽ bị phạt từ 30 triệu đồng - 40 triệu đồng và tước GPLX từ 22 - 24 tháng (như Nghị định 100).

Đối với môtô, như sau:

Chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt từ 2 triệu đồng - 3 triệu đồng như tại Nghị định 100. Tuy nhiên có sự thay đổi là tài xế sẽ bị trừ 4 điểm trong GPLX thay vì tước bằng ngay tại thời điểm vi phạm.

Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở có mức phạt mới là 6 triệu đồng - 8 triệu đồng (tăng 2 triệu đồng). Ngoài ra, tài xế bị trừ 10 điểm trong GPLX (thay vì bị tước bằng 16 - 18 tháng như Nghị định 100).

Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở thì người vi phạm sẽ bị phạt từ 8 triệu đồng - 10 triệu đồng (tăng 2 triệu đồng so với Nghị định 100/2019) và tước giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng.

Đối với xe đạp, xe đạp máy, như sau:

Chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt từ 100 nghìn đồng - 200 nghìn đồng (mức phạt hiện hành là 80 nghìn đồng - 100 nghìn đồng).

Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở có mức phạt mới là 300 – 400 ngàn đồng (hiện hành là 200 nghìn đồng - 300 nghìn đồng).

Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở thì người vi phạm sẽ bị phạt 400 nghìn đồng - 600 nghìn đồng (bằng mức phạt hiện hành).

Đối với xe máy chuyên dùng, như sau:

Chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt từ 3 triệu đồng - 5 triệu đồng như tại Nghị định 100. Tước quyền sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ từ 10 - 12 tháng.

Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở có mức phạt là 6 triệu đồng - 8 triệu đồng (như Nghị định 100). Tước quyền sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ từ 16 - 18 tháng.

Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở thì người vi phạm sẽ bị phạt từ 18 triệu đồng - 20 triệu đồng (tăng 2 triệu đồng) và tước quyền sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ từ 22 - 24 tháng.

Bình luận