Vụ sập cầu Hòa Bình, mời đơn vị kiểm định độc lập

TÂY NINH - Chủ đầu tư công trình cầu Hòa Bình, Tây Ninh đang làm rõ nguyên nhân vụ sụp lún, đồng thời mời đơn vị kiểm định độc lập khoan thăm dò, khảo sát địa chất khu vực xảy ra sự cố.

Ngày 12/5,  ông Nguyễn Phạm Ngọc San, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Châu Thành (chủ đầu tư dự án xây mới cầu Hòa Bình, xã Hòa Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) cho biết, đơn vị đang phối hợp các bên liên quan khẩn trương kiểm tra, làm rõ nguyên nhân vụ sụp lún nghiêm trọng tại đường dẫn lên cầu.

Vụ sập cầu Hòa Bình cần mời đơn vị kiểm định độc lập

Liên quan quy trình thi công, giám sát, năng lực của nhà thầu thi công và trách nhiệm của các bên, ông San khẳng định, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn giám sát và nhà thầu đang rà soát toàn bộ hồ sơ dự án, từ hồ sơ đấu thầu, giám sát cho đến quá trình thi công.

“Chúng tôi đã mời đơn vị kiểm định độc lập khoan thăm dò, khảo sát lại địa chất khu vực xảy ra sự cố. Qua đó, sẽ xác định nguyên nhân sự cố là yếu tố khách quan hay có vấn đề trong quá trình thi công. Hiện tại, chưa thể kết luận chính thức. Khi có đầy đủ thông tin, chúng tôi sẽ công khai minh bạch với báo chí và người dân”, ông San nói.

Trước đó, ngày 11/5, đoạn đường dẫn lên cầu Hòa Bình bị sụp lún nghiêm trọng với chiều dài khoảng 35m, sâu khoảng 3m, khiến một ô tô và hai xe máy gặp nạn, 7 người dân bị ảnh hưởng.

Đây là cầu mới được đưa vào vào sử dụng từ ngày 25/4 do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Châu Thành làm chủ đầu tư, Công ty TNHH Vũ Hoan là đơn vị thi công.

Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, chuyên gia về quy hoạch và môi trường cho rằng, muốn phân tích hiện tượng này không thể chỉ dựa vào chuyên môn của kỹ sư cầu đường, mà cần có sự vào cuộc của các nhà khoa học địa chất.

Theo ông, với những sự cố nghiêm trọng như vậy, việc đánh giá hiện tượng sụp lún phải dựa trên khảo sát địa chất sâu, thậm chí cần sự tham gia của ngành vật lý địa cầu. Bởi lẽ, không phải lún cục bộ mà là cả một đoạn dài bị sụp xuống. Như vậy, có hai phần đường khác biệt, một bên cao, một bên thấp đến 3m. TS Nguyên nhận định, có thể có vấn đề từ tầng địa chất bên dưới, quy mô lớn và phức tạp.

Ông cũng cho rằng, trong thi công, kỹ sư thường khoan khảo sát đến độ sâu nhất định theo tiêu chuẩn. Nếu dưới độ sâu này có túi bùn hay tầng đất yếu, kỹ sư không phát hiện cũng là điều bình thường.

TS Nguyên cũng lưu ý, nền đất vùng Đông Nam Bộ vốn phức tạp, được hình thành từ bậc thềm cổ của cao nguyên lửa Boloven, nên tầng đất phía dưới có thể lẫn lộn, biến động rất khó lường. Nhiều nơi từng xảy ra hiện tượng bùn tự trồi lên từ lòng đất mà không thể lường trước.

Trong khi đó, PGS. TS Chu Công Minh, chuyên gia cầu đường Trường Đại học Bách khoa TP.HCM cho rằng, về lý thuyết, 80% nguyên nhân gây sụp lún là do nền móng không vững. Điều này có thể xuất phát từ vấn đề áp lực tiến độ công trình, khiến quá trình khảo sát địa chất, thi công, đầm nén không tốt dẫn đến lún, sụp.

Cũng theo PGS. TS Chu Công Minh, khu vực Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với địa hình bằng phẳng, khí hậu thuận lợi, phù hợp phát triển nông nghiệp nhưng lại là bài toán khó khăn trong việc xây dựng hạ tầng giao thông. Để phòng ngừa tình trạng sụp lún đường, các công trình xây dựng trên đất yếu phải được khảo sát để đánh giá khả năng xảy ra sự cố.

“Nếu mặt đường có hiện tượng lún vượt quá mức cho phép, phải có biện pháp xử lý phù hợp. Trường hợp sụt lún nặng, cần cấm đường để đảm bảo an toàn. Mặt khác, cơ quan chuyên môn phải có các cảm biến kiểm tra độ lún. Nếu kiểm tra ghi nhận vết nứt nhẹ do co ngót bê tông, có thể xử lý tại chỗ. Còn vết nứt lớn nguy cơ do lún sụt cần phải xử lý gia cố lại móng hoặc các biện pháp kỹ thuật khác”, PGS. TS Chu Công Minh nói.

“Khu vực có loại đất, địa chất, địa hình khác nhau sẽ có phương thức xử lý nền móng khác nhau. Yêu cầu số một để xây dựng một công trình xây dựng chất lượng là phải nghiêm túc, đúng quy trình vì yếu tố này đảm bảo vấn đề an toàn trong quá trình vận hành, khai thác”, PGS. TS Chu Công Minh nói thêm.

Bình luận