Ngày 21/9, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng đã đến hiện trường kiểm tra ngọn đồi xuất hiện vết nứt lớn đe dọa cả làng ở thôn 56B, xã Đắc Pre, huyện Nam Giang.
Vết nứt lớn kéo dài chạy dọc quả đồi, có chiều sâu từ 1,5m đến 5m, chiều dài 123m. Nhiều đoạn có dấu hiệu sụt trượt, lún sâu theo lớp tầng, đường nứt mở rộng và ngấm nước nhiều ngày, nguy cơ đất sạt lở bất cứ lúc nào.
Lãnh đạo huyện Nam Giang cho biết, dưới chân ngọn đồi này là nơi sinh sống của 11 hộ dân/41 nhân khẩu người Tà Riềng, Ve, Giẻ Triêng chưa từng xảy ra sạt lở nghiêm trọng. Do đó, vết nứt lớn trên ngọn đồi là điều bất thường. Toàn bộ số hộ dân đã buộc phải sơ tán khẩn cấp đến các trường học và nhà dân kiên cố, từ đêm 19/9.
Ông Lê Văn Dũng đánh giá, nếu mưa lớn tiếp tục kéo dài thì nguy cơ sạt lở rất lớn, chôn vùi cả ngôi làng này. Tình hình hiện rất nguy hiểm. Đồng thời, chỉ đạo chính quyền huyện Nam Giang khẩn trương, tìm kiếm vị trí mới an toàn để bố trí tái định cư (TĐC) cho người dân thôn 56B, trước Tết Nguyên Đán năm nay.
Theo đề xuất của huyện Nam Giang, 11 hộ dân tại thôn 56B sẽ thực hiện tái định cư khẩn cấp đối với dân vùng nguy cơ sạt lở, theo Nghị quyết 23 của HĐND tỉnh.
Tổng kinh phí để bố trí TĐC mới hơn 6 tỉ đồng và mức kinh phí hỗ trợ dự kiến khoảng 115 triệu đồng/nhà. Nhà nước sẽ đầu tư đầy đủ điện, đường, trường, trạm cho dân sớm an cư.
Theo đề án phòng chống thiên tai của Quảng Nam, toàn tỉnh có đến 93 điểm nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất đá, với hàng nghìn hộ dân đang sinh sống, chủ yếu tập trung ở miền núi. Tuy nhiên, mới đầu mùa mưa đã xuất hiện những điểm sạt lở mới, đe dọa các khu dân cư và nhiều tuyến giao thông.
Đợt mưa lớn từ 18/9 kéo dài nhiều ngày đã khiến taluy âm trước làng Tăk Chay, thôn 5, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My bị sạt lở, bà con phải thức trắng đêm trong nơm nớp lo sợ.
Ngoài phần đất đã bị sạt, các nền nhà khác trong làng cũng bắt đầu xuất hiện vết nứt dài, buộc chính quyền phải sơ tán khẩn cấp và tính phương án TĐC cho 33 hộ dân/170 nhân khẩu cả làng này.