Các trend ngôn ngữ có lợi hay gây hại?

VOH - Giới trẻ yêu thích sử dụng các trend ngôn ngữ nhằm mở rộng kết nối, làm quen bạn bè được dễ dàng và thể hiện cá tính riêng.

Các trend ngôn ngữ bắt nguồn từ âm nhạc, phim ảnh, các show truyền hình thực tế, các video viral trên mạng xã hội,…. xuất hiện ngày càng phổ biến, xâm nhập vào lời ăn tiếng nói của giới trẻ.

Bà Dương Thị My Sa - Thạc sĩ ngành Ngôn ngữ học cho biết “Đây là xu hướng tất yếu. Khi có mạng xã hội, phạm vi giao tiếp rộng hơn, tốc độ truyền đạt thông tin nhanh chóng hơn, vì vậy, ngôn ngữ mạng xã hội (nói gọn là ngôn ngữ mạng) ra đời. Ngôn ngữ mạng được biết đến và nhanh chóng được các chuyên gia khảo sát, nghiên cứu phải tính từ thời Yahoo 360 độ phủ sóng.’’

gioi-tre-trend-ngon-ngu-2-Vietnamnet
Bắt nguồn từ phát ngôn thường thấy của rapper Binz trong chương trình Rap Việt, cụ thể là “Amazing, good job em!” - Ảnh: Vietnamnet

Với người trẻ, ngôn ngữ “hot” trend mang đến sự hài hước, vui vẻ, dễ dàng tiếp cận nên được thẩm thấu, sử dụng, tạo ra trào lưu như nói lái, teencode hoặc chêm xen các từ nước ngoài như tiếng Anh, Hàn, Trung,... “Do em học ngôn ngữ Anh nên đôi khi theo thói quen trong lúc nói chuyện em thường hay chêm các từ ngữ tiếng Anh vào trong câu tiếng Việt” - Bạn Thu Hương, sinh viên trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, TPHCM chia sẻ. 

Việc sử dụng các trend ngôn ngữ có thể giúp các bạn dễ dàng hòa nhập, kết giao bạn bè, cảm thấy thoải mái hơn trong các cuộc giao tiếp với nhau. “Nó là cách để giới trẻ biểu lộ sự độc đáo trong suy nghĩ của mình và ngôn ngữ nó phát triển chứ không cố định, nó phát triển theo thời gian, các bạn trẻ có cách sáng tạo hợp thời đại.

Ngôn ngữ đó như một phần đặc trưng của giới trẻ có thể khiến mình kết bạn dễ hơn, mình dùng các từ trend một chút thì việc kết nối với nhau gần gũi hơn. Nhìn chung con người muốn tham gia vào cộng đồng nào đó mà nếu ngôn ngữ dễ thương, mang cảm xúc tích cực cho người khác thì mình sẽ có xu hướng sử dụng ngôn ngữ đó để kết nối với bề mặt cảm xúc tích cực của người đối diện” - Bạn Trâm Anh, sinh viên trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, TPHCM chia sẻ.

gioi-tre-trend-ngon-ngu-voh.com.vn

Một số từ ngữ “hot” trend của giới trẻ sử dụng -  Thanh Nhi

Đối diện với sự thay đổi của cuộc sống thì ngôn ngữ cũng vận động và thay đổi theo nên chúng ta cần chấp nhận những xu hướng mới này. Ông Nguyễn Thành Thái - Thạc sĩ ngành Lý luận và phương pháp giảng dạy tiếng Anh, hiện đang theo học Tiến sĩ Ngôn ngữ học: “Ngôn ngữ là phương tiện để giao tiếp miễn sao nói người khác nghe hiểu là được. Việc giao thoa văn hóa, ngôn ngữ thì các bạn sẽ sử dụng chêm vào để thực hành cái ngôn ngữ mình học, đồng thời có vài bạn thể hiện cá tính của mình. Ngôn ngữ được sử dụng trong một cộng đồng và nó được cộng đồng chấp nhận thì mình tiếp thu, chấp nhận. Chúng ta đang hội nhập thì nhu cầu ngoại ngữ cũng đang cần thiết, các bạn biết được điều đó nên các bạn dùng các câu tiếng Anh để tăng khả năng nói tiếng Anh”.

“Thực ra, phải hiểu ngôn ngữ trên mạng xã hội là ngôn ngữ nói, nên việc sử dụng các trend nếu nói theo hướng tích cực là làm cho cách truyền đạt/cách dùng từ phong phú, dí dỏm hơn. Tuy nhiên, các bạn trẻ cũng nên chú ý không để thói quen này ảnh hưởng đến việc trình bày trong văn bản. Cần biết ranh giới trong việc sử dụng các trend ngôn ngữ để phong cách chức năng văn bản vẫn được đảm bảo, khi ta linh hoạt sử dụng ở các trường hợp giao tiếp, truyền đạt thông tin khác nhau.’’- Theo bà Dương Thị My Sa, Thạc sĩ ngành Ngôn ngữ học chia sẻ.

Ngôn ngữ là lớp vỏ của tư duy. Việc sử dụng ngôn ngữ "tự chế" xa rời chuẩn mực trong sáng của nó có thể  ảnh hưởng đến khả năng phát triển tư duy, kỹ năng giao tiếp, đặc biệt trong việc trình bày ý tưởng, gây bất lợi trong quá trình học tập và làm việc.

 Khi những người trẻ giao tiếp với nhau, việc thường xuyên sử dụng ngôn ngữ tự chế giúp những cuộc trò chuyện gần gũi nhau hơn. Nhưng nếu việc này xảy ra giữa những người khác thế hệ với nhau có thể sẽ gây hiểu hiểu lầm. Chị Trần Thanh Hà (40 tuổi) cho biết hết sức bất ngờ khi đọc những thông tin con tương tác trên mạng vì "không hiểu con đang nói gì, những từ ngữ tự chế khó hiểu và cảm giác như mình là người Việt mà không hiểu được người Việt nói gì, viết gì".

Các bạn trẻ cần chú ý cách sử dụng phù hợp như đối tượng, mục đích và ngữ cảnh giao tiếp,... , tiếp nhận cái mới nhưng cần "gạn đục khơi trong", để đừng làm mất những ngôn từ tiếng Việt trong sáng và giàu đẹp sẵn có, mất đi bản sắc tiếng Việt giàu hình ảnh và là tài sản lớn nhất của người Việt.

Bình luận