Trong lúc nhâm nhi trà quạu cùng luận bàn chuyện thời sự của nhóm Hai Sài Gòn một số ý kiến cho là “nếu bỏ được sổ hộ khẩu trong quản lý dân cư như Bộ Công an đang dự tính thì người dân hoan nghênh lắm,... suy cho cùng phải như vậy thôi, khi nền kinh tế thị trường phát triển trở thành động lực thúc đẩy sự dịch chuyển nơi cư trú của công dân trên thực tế, không phụ thuộc vào nơi cư trú trên giấy tờ tức sổ hộ khẩu như thời bao cấp nữa”.
Ảnh minh họa: internet
Ba thợ hồ cho là không biết Bộ Công an tính toán thế nào chứ hiện nay theo tính toán của các chuyên gia thì UBND xã, phường, quận, huyện cũng như công an các cấp còn hơn 40 thủ tục hành chánh liên quan đến đời sống hàng ngày phải xuất trình sổ Hộ khẩu.
Hai Sài Gòn phân tích: “Việc bỏ sổ hộ khẩu sẽ xóa căn bản các thủ tục phiền hà, dễ phát sinh tham nhũng, đồng thời giảm cồng kềnh bộ máy. Theo tính toán sơ bộ, nếu bỏ sổ hộ khẩu sẽ tiết kiệm chi phí cho dân khoảng 1.600 tỷ đồng/năm từ việc khai nhiều lần các thông tin cơ bản, sao, chụp hoặc chứng thực bản sao”.
Tư hưu trí cho là lo lắng của Ba thợ hồ cũng có cơ sở, trong chúng ta ngồi đây đã qua thời bao cấp ai cũng là nạn nhân của hộ khẩu. Hồi đó có 2 sổ là sổ gạo và sổ hộ khẩu, có được 2 sổ đó coi như là công dân hạng nhất. Tui nhớ hồi mới giải phóng có lưu truyền bài thơ nói về cái chuẩn chọn chồng của chị em miền Bắc hồi thập niên 60-70 thế kỷ trước, bài thơ đó thế nầy: Một yêu anh có Sei-ko tức đồng hồ Seiko của Nhật; Hai yêu anh có Pơ-giô cá vàng tức xe đạp hiệu Pơ giô của Pháp; Ba yêu nhà cửa đàng hoàng; Bốn yêu hộ khẩu rõ ràng Thủ Đô;... Đó mấy anh thấy giá trị hộ khẩu thời đó chưa?
Anh em nghe ai cũng buồn cười, có người không tin hỏi đố lại là có đúng như thế không, hay Tư hưu trí “chế” ra bài thơ này.
Hai Sài Gòn khẳng định “đúng là lúc đó nói về nổi khổ của người dân về hộ khẩu, trong dân gian có truyền khẩu bài thơ như thế. Rồi Hai Sài Gòn tiếp tục phân tích, theo Bộ Công an, quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu như hiện nay đang gây tốn kém, lãng phí. Với người dân, khi họ cần di chuyển hoặc tìm cơ hội sinh sống, làm việc ở nơi khác thì phải khai báo, thay thế, lưu chuyển giấy tờ liên quan tới sổ hộ khẩu một cách thủ công và mất nhiều thời gian. Còn với Nhà nước, việc duy trì các bộ phận quản lý chuyên trách ở nhiều cấp để thực hiện các công đoạn quản lý sổ hộ khẩu dẫn tới bộ máy hành chính cồng kềnh, tốn kém ngân sách. Ngược lại, nếu sử dụng mã số định danh cá nhân để quản lý dân cư sẽ đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, giảm chi phí. Sổ hộ khẩu ràng buộc người dân quá nhiều, quyền lợi gì cũng phải liên quan đến hộ khẩu, bỏ sổ hộ khẩu, ai cũng ủng hộ. Bỏ sổ hộ khẩu thay bằng mã số định danh cá nhân sẽ thuận tiện, dễ dàng hơn cho công tác quản lý dân cư, thuận lợi trong việc truy cập, tra cứu, xử lý, giải quyết thủ tục hành chính; các cơ quan, cán bộ đều có thể kiểm tra được.
Tư hưu trí cho là bỏ sổ hộ khẩu dùng mã số định danh cá nhân ngoài tiện ích như anh Hai Sài Gòn vừa phân tích, còn là bước tiến mới mang tính khoa học công nghệ trong cải cách hành chánh, đó cũng có thể nói là ứng dụng công nghệ 4.0. Khi có mã số định danh cá nhân chỉ cần xuất trình mã số đó cho nhiều giao dịch hành chánh. Người dân khi mua nhà, đất hay đăng ký xe, đăng ký học cho con, nói chung là mọi thứ giao dịch hành chánh không cần phải lúc nào cũng kè kè sổ hộ khẩu. Ba thợ hồ khoái tỷ vỗ đùi cái bép “Đó người dân chỉ cần như vậy là sướng rồi”.