Cấm dùng thiết bị ngụy trang ghi âm, ghi hình: Nên hay không?

Thưa bà con! Không biết có điều gì làm Tư hưu trí khoái mà sáng nay anh “chém gió” quá chừng, nào là lần đầu tiên Anh mới thấy, nào là chức năng phản biện của Mặt trận Tổ quốc là phải như thế, khiến anh em nghe chẳng biết như thế nào. Ba thợ hồ thấy thái độ khác thường của Tư hưu trí nên hỏi HSG xem thần kinh Tư hưu trí có “sự cố gì không?”. HSG cười ngất “Có gì đâu, chẳng qua Tư hưu trí khoái chí ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBMTTQVN Nguyễn Thiện Nhân chiều ngày 12/4 chung quanh, dự thảo Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị do Bộ Công an chủ trì.

Ba Thợ hồ vẫn thắc mắc “cụ thể là thế nào mà Tư hưu trí cho là lần đầu tiên mới thấy…”. Không chờ HSG trả lời, Tư hưu trí nói luôn: Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nói: “Sử dụng phương tiện nghe, nhìn là chủ đề rất đáng quan tâm. Đề nghị báo chí bày tỏ quan điểm của mình”.

Về phía Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Ban Tuyên giáo, Ban Dân chủ và pháp luật của MTTQ Việt Nam “rà soát lại tất cả văn bản pháp luật, từ Hiến pháp, để xem quy định này có hợp hiến, hợp pháp hay không”.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị các cơ quan của MTTQ Việt Nam đối chiếu kinh nghiệm quốc tế trong vấn đề sử dụng các thiết bị ghi âm, ghi hình như thế nào. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định: “Tôi sẽ phát biểu chính kiến của MTTQ Việt Nam về vấn đề này trong phiên họp Chính phủ tới đây”. 

HSG  cho ý kiến của Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân là xác đáng, vì hơn ai hết cánh báo chí tụi tui rất cần thiết bị ghi âm ghi hình để tác nghiệp. Đầu năm 2016 khi Bộ Công An ban hành thông tư 01/2016 quy định CSGT "được trưng dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật", bị báo chí và giới luật sư, luật gia phản ứng quá trời khiến Bộ Công an phải thanh minh là CSGT chỉ được trưng dụng khi được Bộ trưởng Công an cho phép.

Tại sao như vậy, vì theo Điều 24 của Luật trưng mua, trưng dụng tài sản thì chỉ có những người sau mới có quyền trưng dụng tài sản: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ giao thông - vận tải, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Y tế và Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh. 

Hay như tại Điều 102 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định: Đối với thông tư có quy định ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích của người dân, doanh nghiệp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực hoặc do tổ chức pháp chế chủ trì soạn thảo thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thành lập hội đồng tư vấn thẩm định có sự tham gia của cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học.

Hình minh họa

Tư hưu trí sốt ruột đề nghị HSG phân tích tính chất luật pháp của dự thảo Nghị định nầy coi thế nào mà tới Chủ tịch UBMTTQVN cũng phản ứng.

HSG cho là Anh chỉ là phó thường dân Nam bộ không đủ trình độ, thậm chí đạo đức để bình phẩm dự thảo Nghị định nầy, tuy nhiên Anh dẫn chứng luật sư Trương Anh Tú cho là thiết bị ghi âm ghi hình không có ảnh hưởng xấu đến trật tự, an ninh xã hội mà còn có rất nhiều mặt tích cực như người dân ghi lại các hành vi vi phạm pháp luật để cung cấp cho các cơ quan chức năng xem xét xử lý, hay nhà báo cần dùng để thu thập bằng chứng phục vụ việc điều tra… Nếu cấm sử dụng thiết bị ghi âm ghi hình thì có thể gây khó khăn cho hoạt động phòng chống tiêu cực, tội phạm.  Còn những đối tượng sử dụng thiết bị ghi âm ghi hình có hành vi xấu nhằm bôi nhọ danh dự của người khác thì đã có chế tài xử lý riêng. Do vậy, việc đưa ra những quy định trong dự thảo Nghị định để điều chỉnh cả đối tượng sử dụng các thiết bị này là không hợp lý, không cần thiết.

Luật sư Ngô Ngọc Trai phân tích Dự thảo Nghị định xác định điều chỉnh về vấn đề “kinh doanh” nhưng với việc đề xuất quy định tại khoản 3 Điều 4 không cho phép người dân và doanh nghiệp được sử dụng các thiết bị để ghi âm ghi hình thì dự thảo đã điều chỉnh cả vấn đề sử dụng ghi âm ghi hình là ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân, lạm quyền và trái pháp luật.

Theo Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, tổ chức, cá nhân có quyền thu thập các dữ liệu điện tử làm chứng cứ để giải quyết các vụ án dân sự, hình sự nghĩa là việc người dân sử dụng các thiết bị ghi âm ghi hình là hợp pháp, nhất là để phòng vệ trước những thói lạm quyền tiêu cực của đủ mọi thành phần phổ biến trong xã hội hiện nay. Ngoài ra, cũng là để người dân thực hiện việc giám sát cán bộ công chức nhà nước, ngăn chặn các biểu hiện quan liêu hách dịch, cửa quyền…

Ngồi nghe nảy giờ Ba thợ hồ mới thấy ra vấn đề, nên Anh cho là “như thế dự thảo nghị định phải được sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu của người dân” bởi suy cho cùng mọi điều chỉnh luật pháp của nước mình đều phải của dân, do dân và vì dân.