Chống tham nhũng

(VOH) - Chưa kịp kéo nghế ngồi, Ba thợ hồ “dí” Hai Sài Gòn liền: “Tui thấy chuyện chống tham nhũng thì Nghị quyết chủ trương đường lối của Đảng thể hiện quyết tâm rồi, Quốc hội đã có luật rồi, hà cớ gì phải thảo luận sửa đổi luật nữa? Vấn đề là những người có trách nhiệm thực hiện Nghị quyết, chấp hành luật pháp như thế nào thôi.

Tui hỏi anh trong luật phòng chống tham những quy định kê khai tài sản, quy định giám sát, quy định nhiều thứ nữa, vậy mà thông tin từ báo chí tui thấy “trớt he”. Tui là dân cu ly “xách xi măng đi tô” nên tui nói đại như vậy, còn Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương, cho rằng chưa cần sửa luật mà quan trọng hơn, hãy thực hiện đúng các quy định của nó. Có quá nhiều quy định chúng ta đưa ra nhưng có thực hiện đâu. Kê khai tài sản mà chỉ công khai nội bộ rồi đóng dấu mật thì làm sao có minh bạch, kê khai xong đút ngăn kéo thì để làm gì?”.

Hai Sài Gòn chưa kịp trả lời, Tư hưu trí tham gia liền: “Anh biết tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cả nước chỉ xét trên lĩnh vực kê khai tài sản đã  xử lý kỷ luật 17 người kê khai tài sản không trung thực, tui nhắc lại mấy anh nhớ là 10 năm cả nước có 17 trường hợp vi phạm”.

Rồi anh cười mỉm bình luận: “63 tỉnh thành, 17 trường hợp kê khai không trung thực, có nghĩa có tới 46 địa phương chưa phát hiện được cá nhân nào kê khai không trung thực. Từ đó suy ra cán bộ công chức ở ta liêm khiết thiệt!

Hai Sài Gòn cho biết không phải Đảng và Nhà nước chấp nhận tình trạng nầy. Không nói đâu xa, ngay UBND TP mình xác định việc kê khai minh bạch tài sản của cán bộ, công chức, viên chức chưa phát huy hiệu quả còn nặng hình thức; chủ yếu quản lý bản kê khai, chỉ sử dụng khi có vấn đề phản ánh, tố cáo. Bản kê khai của cán bộ chưa được kiểm tra xác minh giữa tài sản kê khai và tài sản thực tế cũng như nguồn gốc tài sản của người kê khai.

Vì còn nhiều bất cập nên chương trình làm việc của Quốc hội khóa 14 có sửa đổi luật phòng chống tham nhũng để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng hơn”.

Tư hưu trí cho là dự thảo Luật sửa đổi và bổ sung Luật phòng chống tham những chỉ dựa trên điểm tựa là đạo đức của người thực hiện công vụ, mang tính khuyên nhủ và quy định các chế tài xử phạt hành vi tham nhũng, hơn là đổi mới thể chế, hay là đổi mới “công nghệ” của cỗ máy quản trị xã hội”. Theo anh cái mới là trước đây Luật phòng chống tham nhũng chỉ tập trung vào những người có chức có quyền, thì nay, đối tượng có thể tham nhũng được mở rộng hơn. Điều này cũng cho thấy hiện tượng tham nhũng ở nước mình đã phổ quát, mở rộng.

Họ tham nhũng bằng cách nào? Đó là việc dùng tiền để hối lộ hoặc tạo điều kiện để quan chức thực hiện các hành vi tham nhũng nhằm đem lại lợi ích cho cá  nhân và tập thể. Đây có thể coi là một dạng của “tham nhũng chính sách” như nhiều đại biểu Quốc hội đã đề cập, hoặc trong lý luận nhà báo Nhị Lê - phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản gọi là tham nhũng “chánh trị“ đó là khái niệm “thị trường mua chuộc nhà nước”.

Ông Phạm Chánh Trực, nguyên chủ tịch HĐND TPHCM, phát biểu tại hội thảo góp ý dự án Luật phòng chống tham nhũng – Ảnh: TTO

Lý giải tình hình phòng chống tham nhũng hiện nay, Hai Sài Gòn “cặp nhựt” thông tin ý kiến của rất nhiều đại biểu góp ý dự án Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi được Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức, trong đó Hai Sài Gòn tâm đắc nhứt là “muốn hạn chế tham nhũng phải xử lý từ nguyên nhân” theo ý kiến của ông Phạm Chánh Trực, nguyên chủ tịch HĐND TP: ”Muốn chống tham nhũng thì phải công khai minh bạch tất cả các chính sách của Nhà nước, kế đó phải cải cách cơ bản tiền lương“. Lương cơ bản hiện nay không đủ nuôi một người. Không ai sống nổi bằng lương. Chúng ta cần tập trung lớn nhất cho con người chứ không phải cho cơ sở vật chất.

Ông dẫn chứng: “Hàng năm chúng ta bố trí hàng trăm ngàn tỷ để xây cơ sở hạ tầng, nhưng nếu dùng số tiền đó nói cải cách tiền lương thì rất ngại, như vậy chúng ta trọng cơ sở vật chất hơn rồi. Bây giờ lãng phí ghê gớm, xây dựng trụ sở mới, hội trường, quảng trường… nếu chúng ta dừng lại cái đó để cải cách tiền lương thì không thiếu tiền”

Tư hưu trí cho là chí phải: ”tui ưng ý kiến này lắm bởi đồng lương không đủ sống nên trong đơn vị có anh chị nào tiêu cực, dư luận lại tỏ ra xót thương “tội nghiệp tại khó khăn quá nên mới tiêu cực như vậy, chứ ai muốn làm điều xấu đâu, ai cũng muốn mình tốt đẹp“. Cái nữa, việc trả lương cho người lao động đủ sống tối thiểu là sợi dây vô hình ràng buộc họ gắn với công việc, gắn với trách nhiệm không dám vi phạm, họ sẵn sàng tố cáo những hành vi sai phạm để bảo vệ việc làm, nồi cơn của gia đình mình.

Hai Sài Gòn cũng đồng tình với Tư hưu trí, đồng thời anh dẫn lời ông Đỗ Văn Đạo - Phó Giám đốc Sở Nội Vụ, Trưởng ban Thi đua Khen thưởng TP nói: “Ai cũng kêu lương không đủ sống nhưng ai cũng chen chân vô làm công chức. Hiện nay có tình trạng công chức xin vào ủy ban phường tốn cả trăm triệu đồng, đã chi phí ắt phải tìm cách thu hồi. Vấn nạn chạy chức chạy quyền mọi người biết hết nhưng không ai phát hiện được vì người ta... thuận mua vừa bán. Cho nên chúng ta phải nghiên cứu làm sao để việc tuyển dụng công chức cho phù hợp”.

Ba thợ hồ trở lại vụ kê khai tài sản theo dự thảo sửa đổi luật phòng chống tham nhũng, anh nhớ có ai đó đã góp ý  rất hay, đại để là “kê khai tài sản trong dự thảo, các phương án đều bất cập”.

Đối với trường hợp cán bộ kê khai tài sản không trung thực hoặc không kê khai thì thay vì khởi kiện ra tòa như dự thảo, nhà nước hoàn toàn có quyền trưng thu những tài sản đó, Tư hưu trí đặt câu hỏi “tham nhũng từ đâu, ai chống tham nhũng? Rồi anh tự trả lời tham nhũng ở đơn vị, tập thể đó, còn chống tham nhũng là do chính con người ở đó, nên vấn đề mấu chốt trong việc phòng chống tham nhũng là trả lương cho người lao động đủ sống tối thiểu, như ý kiến của anh Năm Nghị tức ông Phạm Chánh Trực - nguyên Chủ tịch HĐND TP là chuẩn. Đảng và Nhà nước bài trừ được tham nhũng, cán bộ công chức, viên chức có cuộc sống ổn định đất nước thanh bình ngay.

Anh em ai cũng đồng tình như Tư hưu trí .