"Để không còn “...A, B trèo hái mỗi ngày”

(VOH) - Thưa bà con! Trong lúc anh em trong xóm nhâm nhi cà phê và bình luận tình hình Thời sự, Tư hưu trí cất giọng ngân nga bài Quê hương cải biên: “Bên A là chùm khế ngọt, cho B trèo hái mỗi ngày”. Theo Hai Sài Gòn (HSG): “Câu hát đó bây giờ lạc hậu rồi, trong chúng ta ai cũng biết bên A là chủ đầu tư, còn bên B là phía trúng thầu.

Nghe bài viết:

Câu hát trên nói lên thủ đoạn moi tiền, rút ruột chủ đầu tư. Nhưng, bên A đâu để bên B moi tiền mãi được. Vậy là bên A buộc bên B muốn trúng thầu phải biết điều, lại quả, thậm chí còn thỏa thuận với nhau điều kiện một khi trúng thầu phải sắm xe này xe nọ. Câu hát trên lại được thay đổi cho phù hợp với tình hình mới: đó là “bên B là chùm khế ngọt, cho A trèo hái mỗi ngày”.

Nhưng rồi cả hai bên A và B đâu chịu để ai moi “hầu bao” của mình bèn cùng câu kết với nhau moi tiền ngân sách bằng cách “đấu thầu cuội”. Bây giờ câu hát trên có nội dung mới “nhà nước là chùm khế ngọt, A, B trèo hái mỗi ngày”. Bởi vậy cho nên báo chí vừa đưa tin tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng khi khởi công và ký hợp đồng BOT chỉ có tổng mức đầu tư khoảng 24.500 tỉ đồng. Sau một thời gian xây dựng, dự án đã được điều chỉnh tổng mức đầu tư lên hơn 45.000 tỉ đồng. “Khủng” hơn là dự án đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình. Ban đầu dự án có tổng mức đầu tư khoảng 3.700 tỉ đồng nhưng sau quá trình thực hiện đã tăng lên gần 8.900 tỉ đồng.

Tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng khi khởi công và ký hợp đồng BOT chỉ có tổng mức đầu tư khoảng 24.500 tỉ đồng. Sau một thời gian xây dựng, dự án đã được điều chỉnh tổng mức đầu tư lên hơn 45.000 tỉ đồng. (Ảnh minh họa: TTO)

Để khẳng định thông tin của mình chính xác HSG dẫn chứng: “sau gần 2 năm tiến hành thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã hoàn tất kết luận thanh tra Dự án đường 5 và ngày 31-3-2016 Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 2153 về việc xử lý sau thanh tra Dự án xây dựng đường 5 là đồng ý với kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Ba thợ hồ là dân trong nghề xây dựng, tuy không có khả năng tham gia dự án lớn, nhưng những mánh trong nghề anh biết rõ, anh cho rằng các dự án đầu tư vượt dự toán có nguyên nhân chủ quan là khâu thẩm định dự án, chọn nhà thầu có vấn đề. Trong quá trình lập dự toán, ban quản lý chưa tính đến các phương án phát sinh, chưa nắm rõ giá xây dựng công trình dẫn đến dự toán thiếu thực tế. Các công ty tư nhân khi làm dự án sẽ nghiên cứu rất kỹ hiệu quả dự án, nếu diễn biến trong quá trình đầu tư khác 5% với dự kiến ban đầu, họ sẽ cân nhắc có làm dự án hay không.

Tư hưu trí “chụp” con số 5% của Ba thợ hồ liền”, tuy 5% là con số lương thiện, mọi người dễ chấp nhận, nhưng mấy anh cứ lấy 5% này nhân với tổng giá trị công trình tính luôn phần đội vốn coi số tiền là bao nhiêu, chỉ mới dự án đường 5 thôi, trời ơi không hình dung nổi.

Mà đâu phải chỉ dự án đường 5, dự án cao tốc cầu Giẽ -Ninh Bình mới đội vốn đâu? dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông được đầu tư xây dựng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc, có tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD. Sau một thời gian thi công, dự án được các bên liên quan đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 868,04 triệu USD, tăng 315,18 triệu USD. 

Hay như ở TP mình dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên) có tổng mức đầu tư ban đầu là 1,09 tỉ USD phê duyệt năm 2007 trong đó vốn ODA của Nhật Bản hơn 904,6 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng của ngân sách TP. Đến tháng 9-2011, UBND TP đã phê duyệt điều chỉnh dự án này với tổng mức đầu tư lên đến 2,49 tỉ USD (hơn 47.325 tỉ đồng).

Anh em nghe mấy thông tin này ai nấy đều “lùng bùng lỗ tai” hết, đều hỏi “tại sao?”. Trả lời câu này HSG cũng “bí”, nên mượn lý giải của chuyên gia giao thông Tiến sĩ Phạm Sanh: “nguyên nhân chính là do chưa nghiên cứu kỹ về mục tiêu, phạm vi dự án; không nắm vững công nghệ; chưa tính kỹ hiệu quả nên đưa ra tổng mức đầu tư chiếu lệ, lập dự toán thấp. Sau khi chọn được nhà thầu và thi công thì đi từ thay đổi này đến bổ sung khác để tăng mức đầu tư". Theo Luật Xây dựng và các văn bản pháp luật liên quan đến việc đầu tư xây dựng công trình thì các dự án khi phê duyệt đều xác định rõ tổng mức đầu tư, bao gồm cả phần dự phòng cho khối lượng phát sinh và trượt giá.

Thế nên, hiện tượng hàng loạt dự án công đội vốn “khủng” như trên là rất bất thường. Điều đó cho thấy việc quản lý chi phí xây dựng đầu tư công đang có vấn đề và hậu quả là ngân sách nhà nước phải chịu. Mặt khác việc đội vốn trong xây dựng không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà ở tất cả các nước trên thế giới do chủ đầu tư và nhà thầu thi công thường mâu thuẫn nhau về lợi ích.

“Trên thế giới thì họ dung hòa lợi ích của chủ đầu tư - nhà thầu để ký hợp đồng còn ở nước ta đôi khi việc này chỉ là “động tác giả” chứ không thực chất nên công trình sẽ bị đội vốn trong thực hiện”. Anh em nghe ai nấy đều sốt ruột hỏi HSG làm sao hạn chế tình trạng đội vốn các công trình, theo HSG về lý thì Luật Xây dựng là hành lang pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trong ngành xây dựng từ nội dung đấu thầu, thiết kế, thi công, chất lượng công trình... của tất cả các bên từ chủ đầu tư, tư vấn thiết kế đến thi công, giám sát hạn chế tới mức thấp nhất tiêu cực.

Có luật, có cơ chế giám sát nhưng vấn đề vẫn là con người. Làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công nhân xây dựng mới là yếu tố quyết định. Đặc biệt HSG rất tin tưởng 2 trong 6 mục tiêu mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tập trung ngay khi nhận nhiệm vụ là tăng cường kỷ luật kỷ cương trong hệ thống hành chính Nhà nước và trong toàn xã hội; và quyết liệt phòng chống tham nhũng, lãng phí. Thực hiện được 2 mục tiêu nầy chắc chắn sẽ hạn chế tới mức thấp nhứt tình trạng các dự án đội vốn “khủng”. Anh em trong bàn cà phê ai cũng đồng thuận với Hai tui hết.